Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2013


NHỮNG TẤM BẢN ĐỒ CỦA TRUNG QUỐC VÀ VIỆT NAM NÓI GÌ VỀ CÁC ĐẢO Ở BIỂN ĐÔNG? (2)
>> Những tấm bản đồ của Trung Quốc và Việt Nam nói gì về các đảo ở Biển Đông?

* Bài 2: Trung Quốc bành trướng dần cương giới bản đồ xuống Biển Đông như thế nào?

 Từ khi viên đô đốc Lý Chuẩn đem 2 pháo thuyền đi xuống phía nam, có đổ bộ chớp nhoáng lên đảo Phú Lâm rồi quay về ngay thì từ đó Trung Quốc bắt đầu từng bước đưa vào bản đồ của mình các quần đảo ở Biển Đông. Một số học giả của Trung Quốc cùng có tư tưởng bành trướng lãnh thổ đã tìm cách chứng minh hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam chính là Vạn Lý Trường Sa và Thiên Lý Thạch Đường (hay Thiên Lý Trường Sa và Vạn Lý Thạch Đường) thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Họ viện dẫn đoạn viết về lịch sử và địa lý đảo "Hải Nam" trong Chư Phiên Chí của Triệu Nhữ Quát đời Tống để chứng minh rằng "Các đảo Nam Hải từ năm thứ 5 niên hiệu Trinh Nguyên đời Đường (789) đã thuộc phạm vi quản hạt của Trung Quốc" (Hội biên sử liệu các đảo Nam Hải nước ta). Tuy nhiên, điều viện dẫn đó hoàn toàn sai lệch, bởi Chư Phiên Chí là cuốn sách viết về nước ngoài chứ không phải nội dung chính viết về lãnh thổ Trung Quốc và đoạn họ trưng dẫn chỉ mô tả vị trí địa lý của đảo Hải Nam mà thôi. Theo đó phía đông của Hải Nam là Thiên Lý Trường Sa và Vạn lý Thạch Đường chứ không hề nói hai quần đảo này thuộc về Hải Nam hay với Trung Quốc nói chung. Không chỉ thế, thời Nam Tống, cuốn Lĩnh Ngoại Đại Đáp của Châu Khứ Phi còn xác nhận: "Vạn Lý Trường Sa tọa lạc tại Giao Chỉ Dương".
Các học giả Trung Quốc còn trưng dẫn Trực tỉnh hải dương tổng đồ trong Dương phòng tập yếu (1838) nói là trên đó có vẽ "Vạn Lý Trường Sa" và giải thích địa danh này chỉ chung các đảo Nam Hải; đồng thời giải thích "Cửu Nhũ Loa Châu" trong Quảng Đông dương đồ (cũng trong Dương phòng tập yếu) là quần đảo "Tây Sa". Sự thật thì trên "Trực tỉnh hải dương tổng đồ", ngoài "Vạn Lý Trường Sa" còn vẽ "Tiểu Lưu Cầu", "Đại Lưu Cầu" (nay là quần đảo Ryu-kyu của Nhật Bản) và "Đối Mã" (nay là đảo Tsuma của Nhật). Điều này có nghĩa là các quần đảo này đều ở bên ngoài Trung Quốc, bởi nếu "Vạn Lý Trường Sa" được giải thích là lãnh thổ của Trung Quốc thì cũng có nghĩa quần đảo Ryu-kyu và đảo Tsuma của Nhật hiện nay cũng là của Trung Quốc?!
Đại Thanh Nhất Thống Thiên Hạ Toàn đồ (năm 1818)
thể hiện Hoàng Sa,Trường Sa đều nằm ngoài
 cương giới lãnh thổ Trung Quốc. 
Cố tìm thêm chứng cứ, các học giả Trung Quốc còn vin vào Hải quốc đồ chí là cuốn thư tịch về địa lý thế giới do Ngụy Nguyên biên soạn năm 1852, vì trong Duyên cách đồ cách quốc Đông Nam Dương (biển Đông Nam) của sách này có xuất hiện các địa danh Vạn Lý Trường Sa và Thiên Lý Thạch Đường, song tên của bản đồ này chỉ chính xác đây là bản đồ Đông Nam Á, và trên bản đồ cũng không có bất cứ ký hiệu gì thể hiện hai quần đảo này thuộc Trung Quốc. Kể cả trước đó có Đại Thanh nhất thống thiên hạ toàn đồ do Chu Tích Linh vẽ vào năm 1818, là tấm bản đồ về cương giới quốc gia với đường biên giới của Trung Quốc được viền màu đỏ. Kim Môn, Hạ Môn và đảo Hải Nam đều dùng màu đỏ vẽ liền với đại lục, còn Đài Loan và quần đảo Đan Sơn thì được khoanh tròn riêng, cũng bằng màu đỏ để chứng tỏ là một phần của Trung Quốc. Dù trong bản đồ này có xuất hiện tên hai quần đảo trên nhưng những địa danh này cùng với Johor, Mãn Thích Gia (tiếng Anh là Strait of Malacca; tiếng Malai là Selat Melaka) và Srivijaya... đều nằm ngoài cương giới lãnh thổ Trung Quốc.

Việc quy thuộc các đảo Nam Hải vào lãnh thổ Trung Quốc là cả một quá trình. Quảng Đông dư địa toàn đồ (năm 1909) được xem là tấm bản đồ vẽ Tây Sa và Đông Sa vào lãnh thổ Trung Quốc sớm nhất trong số các bản đồ vào cuối triều Thanh, nhưng đến Trung Hoa dân quốc tân khu vực đồ (năm 1917) và Trung Quốc địa lý duyên cách đồ, Trung Quốc tân hình thế đồ (năm 1922), rồi Trung Hoa triết loại phân tỉnh đồ (năm 1931) thì chỉ có quần đảo Tây Sa bị quy thuộc vào cương vực Trung Quốc (mặc dù như phần trước đã nói, cho đến Trung Hoa dân quốc tân hưng đồ các năm 1915, 1917 và cả Trung Hoa dân quốc phân tỉnh tân đồ do Vũ Xương Á Tân địa học xã xuất bản vẫn còn vẽ cực nam Trung Quốc ở đảo Hải Nam). Đến Trung Hoa dân quốc tân địa đồ vẽ vào năm 1934 thì cả "Tây Sa" và "Đông Sa" đều quy thuộc vào lãnh thổ Trung Quốc. Sau năm 1935 Thân báo tái bản lại Trung Quốc phân tỉnh tân đồ, trong đó xuất hiện các dòng chữ quần đảo Nam Sa và quần đảo Đoàn Sa. Quần đảo Nam Sa khi ấy là chỉ quần đảo Trung Quốc gọi là Trung Sa hiện giờ, còn quần đảo Đoàn Sa khi ấy là chỉ quần đảo Trung Quốc gọi là Nam Sa hiện giờ. Đến năm 1936, đã có nhiều đảo ở Nam Hải hơn trong Trung Hoa dân quốc bưu chính dư đồ. Từ  năm 1939 trở đi, việc mở rộng cương giới bản đồ đã được thừa nhận phổ biến trong các nhà bản đồ học Trung Quốc. Tập bản đồ Trung Quốc tỉnh thị địa phương tân đồ có riêng một bản đồ về các quần đảo ở Nam Hải. Đảo Hoàng Nham được gọi tên là Ska Barlow Reef, nhưng nó lại được thể hiện không phải là một phần của quần đảo Trung Sa mà cả nó cùng với Trudeau reef (Trudeau Road reef) đều được đánh dấu riêng, có thêm dòng chữ "thuộc Trung Quốc". Năm 1940 có Trung Quốc phân tỉnh minh tế đồ thể hiện đường phân giới nhiều chấm liền nhau vẽ chiếu theo đường bờ biển của các quốc gia Nam Hải khác với hình dáng như đường lưỡi bò về sau này.

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, hải quân của chính quyền Tưởng Giới Thạch phái chiến hạm mang tên Thái Bình do Lâm Tuân chỉ huy đi tuần sát biển Nam Hải xem có tàn dư quân Nhật hoặc nạn dân bị kẹt đâu đó hay không. Khi về lại căn cứ, Lâm Tuân cùng mấy chuyên viên quan trắc, hoạ đồ xúm lại vẽ ra một tấm bản đồ gọi là Nam Hải chư đảo vị trí đồ trong đó có 11 nét mực đỏ bao gồm một diện tích biển như đã thể hiện ở Trung Quốc phân tỉnh minh tế đồ, chuyển cho Bộ Nội Chính đem in xuất bản trong tháng 10-1947. Trung Hoa dân quốc đã cố định đường phân giới này, về sau Cộng hòa nhân dân Trung Hoa rút xuống còn 9 đoạn (chiếm gần 80% diện tích Biển Đông), nhưng đến năm 2005 mới công khai yêu sách với Liên Hiệp Quốc. Đường yêu sách này đã bị các nước trong khu vực Biển Đông, cả cộng đồng quốc tế phản đối.
 Trung Hoa dân quốc khu vực đồ (1917).
Vì không có một cứ liệu nào để ủng hộ cho "Đường chữ U" này nên những người khuếch trương nó tự đưa ra một lập luận kỳ quái là "lãnh hải chủ trương", nghĩa là lãnh hải (trên biển Đông) mà nhà cầm quyền Trung Quốc "chủ trương" muốn có và cần phải có, không cần dựa trên chứng cứ pháp lý nào cả! Từ năm 2006 chính phủ Trung Quốc quy định tất cả bản đồ của nước này đều phải thể hiện đường lãnh hải chữ U đó, cả trên tạp chí hàng không mà người viết bài này đã thấy và bóc bỏ trên một chuyến bay của Hãng Hàng không Phương Nam của Trung Quốc, cũng như họ đã cho in hình lên hộ chiếu, bị các nước trong khu vực phản đối kịch liệt, thậm chí Ngoại trưởng Indonesia Marty Natagalewa còn cho rằng việc làm đó là "xảo trá" và "phản tác dụng".
Một số học giả Trung Quốc còn công khai vạch rõ sự vô căn cứ của "đường 9 đoạn" này. Giáo sư Lý Lệnh Hoa, cựu thành viên Trung tâm Tin tức hải dương Trung Quốc thẳng thắn chỉ ra rằng, nếu Trung Quốc cứ giằng co với các nước ở biển Đông thì sẽ không có lợi cho con đường phát triển và xây dựng của mình. Ông nói: "Họ cứ khăng khăng đường chín đoạn là hợp pháp, song điều này chỉ làm cho tình hình Nam Hải (biển Đông) thêm rối ren và không có lợi cho Trung Quốc". Tuy bị phản đối như vậy nhưng đầu năm 2013 Trung Quốc vẫn tiếp tục công bố đã in chi tiết đến 130 đảo ở biển Đông vào bản đồ địa hình của nước mình, mà phần lớn các đảo đó chưa hề được mô tả trong những bản đồ dạng ngang trước đây của họ. Rõ ràng, đây là một bước tiến mới trong cuộc chiến bản đồ từ Không đến "Có" của Trung Quốc. Tất nhiên, những việc làm ngang ngược đó của họ đã bị các nước, trước hết là Việt Nam và Philippines lên tiếng phản đối, xem sự quy thuộc như vậy là "phi pháp và vô giá trị".

PGS - TS. Ngô Văn Minh
(còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét