Thứ Ba, 28 tháng 9, 2010

Thưa các bạn, trong chuyến công tác tại tỉnh Quảng Ngãi, bạn Ngô Văn Minh đã may mắn được gặp thầy giáo - Tiến sĩ Mai Bá Ấn - Người thầy đã có lần về thực tập giảng dạy tại trường Trung học Sư phạm Quảng Nam - Đà Nẵng vào năm 1983, đã giảng dạy khóa C5 của chúng ta. Điều rất xúc động là thầy đã nhận ra ngay học trò cũ của mình và còn nhớ rất nhiều những kỹ niệm về những ngày giảng dạy ngắn ngũi tại Quảng Nam - Đà Nẵng.
Thầy Mai Bá Ấn hiện hiện đang công tác và giảng dạy tại trường Cao đẳng Tài chính - Kế toán Quảng Ngãi, thầy viết văn, làm thơ khá nhiều. Trong dịp này, được sự cho phép của thầy chúng tôi xin giới thiệu truyện ngắn "Phía sau nước mắt". Xin mời các bạn đón đọc.

PHÍA SAU NƯỚC MẮT
Truyện ngắn MAI BÁ ẤN

Chuyến xe Sài Gòn đưa chị về trong đêm mưa. Một sự vô tình hay chị chỉ muốn về trong đêm để đừng ai nhìn thấy ? Nước mắt chị đến bây giờ được tự do tuôn đẫm trên đôi gò má. Nước mắt hay nước mưa? Không, cái vị mằn mặn thấm xuống tận bờ môi, thấm trở vào lòng (nơi nó tuôn ra) chị biết là mình đang khóc. Bước lên xe, giữa đám đông hành khách với nỗi vất vả của đoạn đường hàng trăm cây số đã ngăn trở dòng nước mắt kia, giờ đây, ngồi xuống bờ cỏ quê nhà, chị trùm chiếc áo mưa, và rồi với bao vật vã lòng mình, tiếng khóc đã oà vỡ ra thành tiếng. Tiếng khóc của một người đàn bà trong một đêm khuya mưa gió tan biến trong tiếng ếch nhái tỉ tê. Vài tiếng ểnh ương trong rặng tre làng kêu lên nhặt nhặt thưa thưa như những tiếng Bat trong một bản nhạc hỗn tạp của một làng quê trong một đêm sắp sáng. Những rặng tre sau khi hăng hái với những cơn gió đón mưa ban chiều, giờ đã bơ phờ, mệt nhọc khe khẻ lắc lư. Chị nhẹ nhàng như vụng trộm bước xuống con đường nhỏ dẫn vào nhà. Nỗi nhớ con, thương chồng đốt cháy lòng chị đã trao cho chị thứ vũ khí vô hình thừa sức mạnh để chị trở về, giờ đang nguội dần, đưa chị về bên bờ một tâm trạng phức tạp đến bẽ bàng. Từ trong lòng chị, một khối u băng giá vì nỗi lo sợ của tội lỗi bắt đầu tan ra, choáng lấy, lan toả. Chị dừng lại... phân vân... Nhưng như một cơn sốt rét ác tính, có một ngọn lửa đang đốt trái tim của chị cháy bùng cả ruột gan. Bởi con đường nhỏ này, hai đứa con chị vẫn thường đón chị về. Và những đêm lỡ hàng về khuya, chị vẫn thường nghe tiếng hát của người chồng buồn buồn như chờ đợi từ ngôi nhà kia vẳng lại. Chị vùng chạy như một người điên lao thẳng vào ngõ nhà. Nhưng rồi băng giá của nỗi lo sợ lại làm chị chựng lại. Chị gục đầu vào gốc duối trước sân. Cây duối lâu năm, thân gồ ghề là nơi chị thường thắp hương, cắm hoa vào những ngày rằm, mồng một.
- Cầu Trời, Phật, hãy tha tội cho con !
Chị khấn thầm bằng tiếng nói chân thành nhất của lòng mình. Bởi chị biết, ngoài những đấng từ bi cao xa kia, hai bên gia đình mà chị vẫn rất thương yêu kính trọng, đang ngày đêm nguyền rủa chị. Người chồng tàn phế và hai đứa con đã đến tuổi hiểu biết đang nằm trong ngôi nhà kia cũng đang nguyền rủa chị…

Trong nhà, ngọn đèn dầu trên bàn được vặn lu, toả ánh sáng yếu ớt. Chị rón rén bước vào mái hiên nhìn qua khe cửa. Chiếc giường bên kia, con bé Ái đang ngủ bên ba, chiếc phản bên này, gần khe cửa chị đang đứng, thằng Nhân nằm một mình. Chúng đang ngủ thật bình yên, thật vô tư. Giờ phút này, chị thèm sao được phá cửa tông vào nhà ôm ghì con vào lòng cho thoả nỗi nhớ mong, ân hận đã gần bốn tháng trời nay. Nước mắt chị lại tuôn đầm xuống má. Những giọt nước mắt của tận cùng nỗi đau khổ làm tê đắng cả đôi môi băng giá. Hình như bị lạnh, thằng Nhân bỗng nhiên quậy cựa. Nó giẫy đạp thật nhiều, rôì bỗng reo lên:
- Ba ơi ! Má về ! Má về kìa !
Chị hoảng hốt lùi ra phía chái nhà, ngồi thụp xuống bờ mía um tùm. Chiếc áo mưa tuột khỏi vai chị. Chị lết dần về phía gốc duối và tựa lưng vào đó. Mặc mưa, mặc gió, chị cứ ngồi thu lu, co mình bất động. Qua khe cửa, chị nhìn thầy chồng đang đến bên thằng Nhân. Thằng bé nằm mơ được ba bế sang ngủ chung. Một người chồng mù đang bế đứa con giữa đêm khuya tĩnh mịch, lặng lẽ chẳng ai hay biết trên đời. Còn mẹ nó thì như một mụ ăn trộm đang giấu mình trong mưa lạnh.
Bi kịch của những số phận trong ngôi nhà nép dưới rặng tre này gào lên cùng ai nghe thấu ? Giận ai ? Thương ai ? Và nguyền rủa ai đây ?

"Ba anh nhắn về là khuya nay anh phải đi. Không còn chần chừ được nữa rồi. Lệnh quân dịch của bọn chúng đang vây bủa. Thôi thì... em ở lại. Anh phải đi thôi".
Đó là lời chia tay cái đêm cuối cùng sau ngày mẹ anh đi bỏ miếng trầu nói vợ cho anh. Đây là cuối năm 1972. Ba anh - một cán bộ tập kết đang trở về hoạt động ngay trên chính quê hương mình.
"Thôi thì... anh đi. Em sẽ đợi. Anh cố gắng giữ gìn sức khoẻ. Còn mẹ và em Khiêm thì em sẽ năng đi lại để mẹ yên tâm".
"Ba anh nói là ngày thắng lợi đã gần kề. Chẳng bao lâu nữa anh sẽ về thôi".
Khuya hôm đó, họ chia tay nhau. Anh em du kích bí mật đưa anh về rừng. Chị đứng dưới rặng tre làng nhìn theo. Nhìn mãi đến lúc không còn thấy gì nữa ngoài những rặng tre, đồng lúa. Nước mắt ướt đầm đôi má tuổi mười tám của thì con gái. Chị lặng lẽ quay về âm thầm với lòng tin tưởng vào tình yêu và con đường anh đã chọn.
Gần một năm sau, chị nhận được thư anh chuyển đến bí mật từ một người lạ mặt. Chị run run mở thư. Trang giấy ố vàng qua tay anh em du kích chỉ vẻn vẹn mấy dòng:
"Duyên thương yêu !
Vậy là, anh đã bị thương - cái quy luật tất yếu của chiến tranh. Vết thương khá nặng ảnh hưởng đến đôi mắt của anh. Hôm nay đã tháo băng, anh vẫn còn nhìn được. Song có lẽ sẽ ảnh hưởng đến mai sau… Nhận thư này, mong em đừng buồn. Anh vẫn yêu em như ngày nào. Song chính vì yêu em nên anh mong em hãy vì hạnh phúc của đời mình mà quên anh đi để chọn cho mình một con đường khác. Anh sẽ chẳng bao giờ hờn trách em đâu. Anh đã viết thư về cho má anh rồi. Hãy vượt lên nỗi đau tạm thời mà vươn tới hạnh phúc lâu dài Duyên nhé !"
Đọc thư anh, chị vừa giận vừa thương. Ước gì mình có mặt bên anh trong những ngày này để an ủi, săn sóc. Con người thường rất dễ bi quan, mặc cảm trong hoàn cảnh này, chị biết. Chính vì vậy mà sau khi nhận thư, chị đã tức tốc bươn đến nhà để gặp mẹ anh. Bà mẹ rất hiểu lòng đứa con dâu son trẻ sớm phải xa chồng này, nên đêm hôm âý, trong ngôi nhà thầm lặng, hai người đàn bà ôm nhau khóc đến nửa khuya.
- Dù sao chăng nữa, ảnh vẫn là chồng con. Con chấp nhận hết và con phải có trách nhiệm của một người vợ. Con phải lên với ảnh thôi. Mẹ ở nhà cố gắng lo cho em Khiêm ăn học. Tiếng nói của chị mềm ra cùng nước mắt.
Sau khi bàn bạc và được gia đình cha mẹ đẻ đồng ý, chị đã ra đi. Theo hướng núi mà đi. Cũng vào một đêm có mưa để dễ che mắt địch. Núi rừng đón chị trong cái thâm u tĩnh mịch vốn có của nó. Và chị đã gặp anh, gặp người cha chồng đáng kính mà chị hằng nghe ba mình nhắc mãi tên mà chưa lần gặp mặt. Anh ngậm ngùi đón chị trong niềm vui thầm lặng mặc dù anh đã tự hứa với lòng mình đừng nên làm khổ chị. Song cái gì đã đến là đến. Lí trí chẳng là gì cả trong hoàn cảnh này. Lí trí sáng suốt lúc này sẽ trở thành kẻ thù của con tim thuỷ chung của người vợ trẻ. Đừng phán quyết mà hãy tin vào lý lẽ của tình yêu. Cuối năm ấy, họ cưới nhau. Cái đám cưới giữa rừng xanh trong tiếng gào của đạn bom thay cho những tràng pháo nổ. Chị đã đem cái hạnh phúc ngọt ngào riêng đến cho anh, và vô tình đem đến với cả núi rừng, lan toả trong lòng những đồng đội của anh.
1975. Họ trở về quê. Người lính già về hưu kia đã rưng rưng đưa người vợ và thằng con út về ở một mái tranh che tạm trên sào đất hợp tác xã cấp cho. Ông đã ưu ái dành cho đôi vợ chồng người con trai thương binh ngôi nhà ba gian ông bà để lại.
- Dù gì thì gì tao và mẹ mày cũng còn sức. Thằng Khiêm cũng đã lớn. Vợ chồng bay cố gắng đùm bọc nuôi con.
Lúc ấy, anh chị đã có một đứa con trai ra đời ngay trên chiến khu. Vết thương vẫn luôn là nỗi ám ảnh đau đớn khi anh nghĩ đến cảnh sống mù loà. Chính vì vậy mà cuối cái năm đầu tiên sau hoà bình ấy, anh chị đã có thêm một cháu gái. Vốn là một giáo viên bình dân từ thời còn ở với anh trên núi, chị trở thành giáo viên cấp một ở ngôi trường làng. Mấy năm sau, mắt anh đã kém hẳn. Đã có những đám mây mù kéo ngang qua mắt mỗi sáng mỗi trưa. Đồng lương thương binh của anh và cái nghề dạy học cấp 1 của chị đang đứng trước một thử thách khắc nghiệt. Anh tức tốc ra bệnh viện Đà Nẵng chữa trị. Tình cờ anh gặp lại Vinh - người bạn thân học cùng lớp phổ thông dưới chế độ cũ. Anh ngỡ ngàng đến kinh ngạc: Đỗ Vinh - bác sĩ, sĩ quan nguỵ, vì sao hôm nay vẫn còn làm việc ở đây ? Bạn cũ gặp lại nhau, vừa mừng vừa ngờ ngợ. Những kỉ niệm tuổi học trò ngày xưa không còn đủ sức mạnh để lấp cái khoảng trống vô hình giữa hai người bạn ấy. Thế nhưng, gặp bạn trong hoàn cảnh này khiến anh thấy đời mình vẫn còn may mắn. Vinh vốn là một bác sĩ chuyên khoa mắt có tiếng. Có lẽ chính điều này đã giúp Vinh còn được lưu dung làm việc ở đây chăng?
Vinh đã khám mắt cho anh và mời anh chiều đến nhà riêng để nói chuyện thêm. Và anh thì cũng muốn gặp lại vợ Vinh vốn là cô em gái bà con xa trong họ. Chiều ấy, anh lại phải đối mặt cùng một thực tế phũ phàng khi nghe những lời khuyên bảo khá chân thành của vợ chồng Vinh:
- Như vậy là mắt Bình đã đến giai đoạn cuối cùng. Phương tiện và điều kiện hiện nay với hoàn cảnh kinh tế của Bình không thể đem lại chút hi vọng nào đâu. Là chỗ anh em thân tình, mình mới nói điều này, mong Bình hiểu cho. Bình hãy can đảm gạt bỏ mọi thiên kiến về chế độ chính trị để cứu lấy mình.
- ? ? ?
- Vợ chồng mình được bảo lãnh sang Mỹ. Giờ thì tốt nhất là Bình nên về sắp xếp. Bằng mọi cách, Bình phải đi. Không phải là theo mình mà sang một nước láng giềng, tốt nhất là Thái Lan. Chỉ cần như vậy, mình sẽ đưa được Bình sang bên ấy để chữa trị. Bằng tình bạn cũ và nhân danh một bác sĩ chuyên khoa, mình nói với Bình là: chỉ còn cách ấy mới đủ sức giành lại ánh sáng cho đôi mắt.
Bình nhắm nghiền mắt lại để nghe kĩ từng lời của Đỗ Vinh. Những lời lẽ chân tình của Vinh làm anh choáng váng. Chẳng lẽ đây là những ngày cuối cùng mình được nhìn thấy ánh sáng thôi sao ! Cái khoảng sáng nhợt nhạt này đã báo hiệu một khả năng quá mong manh để anh hi vọng ! Thật ra, khi nghe kết quả cuối cùng về đôi mắt, sự choáng váng của anh vẫn còn chịu đựng được, vì dù sao, bằng linh cảm, anh đã biết chắc ngày này sẽ đến. Cái khiến anh choáng váng hơn, đặt anh trước sự nghiệt ngã mà bằng máu xương của chính cuộc đời anh đánh đổi, đó là bốn chữ "chế độ chính trị" mà Đỗ Vinh vừa nói. Hãy tự cứu lấy mình ! Chẳng lẽ không còn ai nữa hết sao ? Cái tâm trạng bi quan của bệnh tật hoà lẫn với một trạng thái tâm hồn khá phức tạp khiến anh muốn bật khóc hoặc gào to lên một tiếng. Có cái gì đang chẹn giữa lồng ngực mình mà anh nghe đau nhói.
Anh lặng lẽ ra về sau khi đã hứa với vợ chồng Vinh sẽ chẳng tiết lộ điều này cho ai. Điều đó anh hứa chắc. Còn vấn đề sắp xếp để ra đi theo lời khuyên của vợ chồng Vinh, anh có hứa mà cơ hồ như là ai đang hứa. Cái con người mù loà, bệnh tật đang hứa với một bác sĩ điều trị mình hay là người thương binh cách mạng đang hứa với một người đã từng ở chiến tuyến bên kia (mặc dù là bạn) đó ? Anh không quên cảm ơn nhiệt tâm của vợ chồng người bạn cũ và lủi thủi ra về. Nắng chiều chiếu thẳng vào đôi mắt nhức nhối của anh trên con đường trở về bệnh viện. Những tia nắng cuối cùng tiễn một ngày đi...
Đỗ Vinh đã lo sắp xếp để anh trở về quê. Chị chờ anh trong nỗi lo lắng tơi bời. Anh hoàn toàn im lặng như một người câm. Mù loà, câm điếc, những căn bệnh bất hạnh này thường lại sóng đôi nhau tấn công vào hạnh phúc mỗi con người. Đôi mắt đã ném anh vào nỗi mặc cảm tuyệt vọng, câu chuyện Đỗ Vinh lại xô anh vào sự câm lặng tuyệt đối. Đêm hôm ấy, vợ chồng không ai nói với nhau một lời nào. Chờ cho con ngủ say, hai vợ chồng mới ngồi đối diện với ngọn đèn khuya, âm thầm khóc. Qua nước mắt, chị hiểu được rằng: đôi mắt của chồng đã hết phương cứu chữa. Và qua nước mắt, anh cũng hiểu rằng: không thể nào ra đi như lời Vinh khuyên nhủ. Anh đành nuốt vào lòng cái chuyện ra đi để riêng mình hằng đêm xót xa, cay đắng. Những ngày ấy, tâm lý căng thẳng đã dồn anh vào một kết quả hiển nhiên: Anh thật sự trở thành kẻ mù loà.
Vì quá thương chồng, những ngày đầu tiên, chị xin phép nghỉ dạy để được quấn quýt bên anh, an ủi anh, kể cho anh nghe mọi chuyện để làm vui. Chị là đôi mắt của anh trong hiện tại. Qua chị, anh được gần gũi hơn với cuộc sống bình thường.
Thế nhưng rồi... Trên đời, mọi cái rồi sẽ dần quen. Anh quen với bóng tối cũng như người bình thường quen cùng ánh sáng. Những ngày thầm lặng ấy, anh được tin vợ chồng Đỗ Vinh đã ra đi. Chuyện họ ra đi cũng bình thường thôi vì vợ Vinh đã hơn một lần về quê dọ hỏi ý anh, nhưng anh đã khoát tay chối từ bằng im lặng. Thôi thì... mỗi người có một con đường để chọn mà đi. Âu cũng là số phận. Bóng đêm, cuộc mưu sinh hiện tại đang rối bời trong anh qua hàng đêm suy nghĩ. Nhưng rồi, ngày tháng dần qua, anh dần dần lấy lại được sự quân bình trong cuộc sống tối tăm. Anh tập làm quen trong bóng tối để phụ giúp vợ con những việc vặt trong nhà. Khoảng vài tháng sau, anh đã thuộc lòng từng bước đi, từng động tác cho công việc heo gà, bếp núc. Những đêm rảnh rổi anh thường kể cho hai con nghe những câu chuyện vui để làm an lòng vợ, và để những suy nghĩ đen tối về số phận người cha không đè nặng lên khối óc và tâm hồn thơ ngây của trẻ nhỏ.
Nói chung, những năm tháng ấy, họ sống thật bình yên...
Những năm sau đó, đời sống kinh tế ngày càng khó khăn. Những đồng tiền lương đã bắt đầu báo hiệu một sự thiếu hụt ghê gớm đối với nhu cầu của cái ăn, cái mặc, các chi phí học hành của các con. Đành lòng, chị bỏ nghề dạy học để trở về chạy vạy kinh tế nuôi chồng, nuôi con. Khi nghe vợ rụt rè nói ý định bỏ nghề, anh chỉ biết im lặng mặc dù từ trong sâu thẳm lòng mình, anh nghe có điều gì đó không phải lắm đối với mẹ cha, với anh em, bè bạn. Nhưng biết làm sao đây hỡi những người thân, bè bạn và những người đồng chí thân tình.
- Hãy thông cảm cho tôi ! Những đồng đội thân yêu...
Anh chỉ biết niệm thầm như thế. Và thời gian cứ thế trôi đi... Chị thành trụ cột của gia đình, lo toan tất cả. Những chuyến đi buôn rõ ràng đã mang về cho gia đình những đồng chi tiêu khấm khá. Và không biết có tự dối lòng mình hay không, là: anh rất an tâm trước đời sống gia đình, và thầm vui khi biết vợ mình gặp thuận lợi trên con đường buôn bán.
Mãi cho đến cách cái đêm mưa chỉ trở về này tròn bốn tháng...

Anh không còn nhìn thấy được vợ anh trong khi anh là một người chồng. Sở dĩ người mù thường bị thiệt thòi trong tình cảm là vì họ đã mất đi cái công cụ thể hiện nó, cho dù đôi mắt không là toàn bộ con người. Một người đàn bà khi yêu thường thích được người mình yêu nhìn mình ở nhiều góc độ. Một đôi guốc mới, một kiểu tóc mới, một màu áo mới... Phụ nữ mà ! Họ là những cánh hoa đẹp giữa đời. Mà Duyên cũng là một phụ nữ bình thường thôi, lại là một người phụ nữ chịu nhiều bất hạnh. Hai đứa con đối với một người phụ nữ ngoài tuổi ba mươi cũng chưa có gì là lấn bấn lắm khi mà con đường buôn bán đã đẩy lùi cái thời của đồng lương một giáo viên trôi tuột vào quá khứ mà đôi lúc nghĩ lại cứ như chuyện hoang đường.
Người mù thường có đôi tai thính. Anh cũng không ít lần nghe hàng xóm xì xào:
- Vợ mày từ ngày bỏ dạy đi buôn đến nay trông trẻ ra và đẹp hẳn
- Cha ! Chị Duyên hôm nay cắt tóc ngắn rồi. Cứ như cô gái đôi mươi
- Phấn son đúng là một công cụ cần thiết của sắc đẹp đàn bà. Cứ nhìn cô Duyên thì biết..
Anh hiểu, trong tình yêu, người ta thường làm đẹp vì người mình yêu thì lẽ gì trong tình vợ chồng không diễn ra quy luật ấy !Vậy mà Bình có thấy gì đâu ? Chỉ là màu đen ! Và Bình chỉ còn nhìn thấy vợ sau cái bức màn đen đầy tưởng tượng về một hình bóng Duyên sắc son trong quá khứ. Còn Duyên, trước mặt chồng, đẹp xấu ra sao, khác xưa thế nào, chồng không hề biết. Ai trên đời này lại không muốn mình đẹp ra hoặc là cố gắng làm cho mình đẹp ra và trẻ lại, nhất là phụ nữ đã có chồng ! Duyên cũng vậy thôi ! Bạn cứ thử nghĩ xem: bỗng một buổi chỉều, sau chuyến hàng về, bước xuống xe, một cậu thanh niên không biết đó là cô Duyên hai con vợ của chú Bình mù, nghịch ngợm buông những lời tán tỉnh. Chắc Duyên của Bình lúc ấy sẽ mĩm cười, một nụ cười thật tươi trên làn môi đỏ. Đôi má chắc bỗng hồng lên nửa vì e thẹn nửa vì vui mừng, vì như vậy là mình còn trẻ lắm. Dáng đi của người phụ nữ hai con kia sẽ uyển chuyển hơn một chút, duyên dáng hơn chút nữa. Và người con gái trong Duyên trổi dậy. Duyên sẽ cảm thấy nôn nao và dù có muốn giấu kín vì e ngại thì tự đáy lòng cũng rộn rã một niềm vui.
Biết trách ai đây các bạn ! Nhưng giá mà đừng sinh ra những đứa con. Giá mà đừng có cái đám cưới rộn rã giữa rừng những năm gian khổ ấy. Nghĩa là, giá như Duyên không phải là cô vợ tốt để đừng bao giờ đến với Bình trong những ngày tháng ấy thì cái hậu quả này ít nặng nề hơn. Trên vai Bình bây giờ còn có hai đứa con đang tuổi học hành. Người đui làm sao dắt chúng vào đời trong lứa tuổi này đây ? Duyên đã tạo ra hai cuộc đời để rồi tự cô dứt bỏ đi để tái tạo riêng cho cô một cuộc đời mới. Anh mù loà, biết làm sao dắt được con mình suông sẻ vào đời và hạnh phúc như mình từng mơ ước đây Duyên ?...
- Anh nghĩ là việc bán buôn của em dễ dàng lắm sao ? Không ! Không bao giờ ! Mọi công việc để làm ra đồng tiền bây giờ không hề đơn giản, ngoại trừ ta tạm yên tâm với đồng lương nhà nước. Đồng tiền của quy luật bán mua không sòng phẳng như đồng lương, mà phải đánh đổi nó bằng mồ hôi nước mắt, bằng sức lao động cật lực của chính mình.
Duyên đã nói với Bình bằng nước mắt khi Bình nghe bạn buôn đồn rằng Duyên đã đi lại với một người đàn ông khác trẻ hơn Duyên đâu năm, sáu tuổi.
Khi nghe tin này, Bình bàng hoàng đến sững sờ ngỡ như đó không bao giờ là sự thật. Từ hai quầng mắt vốn lạnh lùng, tối đặc của anh bỗng toé ra những vầng lửa đỏ...
... Đêm hôm đó, nhận lệnh của ba - lúc đó ông là chính trị viên tiểu đoàn, đại đội Bình phải tấn công diệt cái chốt địch trên đỉnh một ngọn đồi. Bình hãnh diện bắt tay ba và cùng anh em vào trận. Trận đánh diễn ra nhanh gọn, kẻ địch không kịp trở tay. Đơn vị Bình đã chiếm ngọn đồi. Bỗng từ một ổ đề kháng cuối cùng còn sót lại, bọn địch nổ súng. Bình vừa thét đồng đội nằm xuống... Bỗng một quả M79 rơi trúng mô đất Bình nằm. Tiếng nổ. Và Bình thấy trước mắt mình toé ra những quầng lửa đỏ. Rồi những quầng lửa đó xoay tròn. Bình lịm đi trong vòng tay đồng đội. Cho đến lúc tỉnh ra, nghe tin ta đã diệt xong bọn địch, làm chủ ngọn đồi, Bình thấy lòng mình bình yên đến lạ. Cái bình yên của đồi núi sau trận đánh. Cái bình thản đến lạ lùng của người chiến thắng...
Còn bây giờ, khi nghe tin về Duyên, những quầng lửa trước mắt Bình làm nhức nhối cả con tim nhưng không đến nỗi làm Bình ngất lịm. Bình đã có trong tay thứ vũ khí cứng rắn là nghị lực và sự chịu đựng của ngày tháng mù loà. Và thật ra, nếu Bình lịm đi khi nghe tin này, Bình cũng sẽ chẳng còn được nằm trong vòng tay đồng đội. Sau chiến tranh, ngoài hai đúa con, Bình chỉ có Duyên làm chỗ tựa. Duyên là đôi mắt của Bình. Cái con mắt tình yêu ấy giờ đây cũng không còn nhìn thấy gì được nữa. Con mắt ấy đã bỏ Bình đi rồi. Cuộc chiến bại này, Bình hoàn toàn bị tước gọn vũ khí.
- Anh nghe chung quanh người ta xì xào về em. Lúc đầu thực sự anh không thể tin, nhưng bây giờ thì...
- Tại sao anh lại đi nghe những lời đồn đại ?
- Tại vì... Duyên ạ ! Mắt anh không còn nhìn thấy gì nữa hết. Ngày xưa thuở mình yêu nhau, anh có thể biết được những điều em dối anh khi anh nhìn vào đôi mắt của em. Còn bây giờ thì... hình như chỉ có màu đen, và chính cái màu đen kia đã mách bảo anh rằng: em dối anh. Thôi ! Em hãy trở về. Đến hôm nay sao bỗng dưng anh thèm quá những ngày em còn làm một cô giáo nghèo. Nghèo mà chân thật, chứa chan tình cảm tạo cho anh niềm vui sống ở đời. Thôi! Em hãy nghỉ buôn, trở về với anh và các con đi em.
- Nhưng còn cuộc sống của mình ? Tương lai các con ?
- Anh chịu đựng được. Anh là một người mù, anh chịu đựng được tất cả thiếu thốn của đời sống vật chất. Còn về tinh thần ! Mắt anh không còn nhìn được hoa, ngắm được trăng, không xem được một đêm phim nào hết. Anh cũng chẳng đọc được một trang sách ngắn nào ngoài những gì em đã kể anh nghe. Đối với anh, hạnh phúc của tình vợ chồng là trên hết. Vì nó, vì hai đứa con, anh sẽ chịu đựng tất cả.
- Nhưng nợ nần, vốn liếng chung chạ, chẳng lẽ bỏ hết sao anh ?
- Em ráng bỏ ra ít ngày đi gom lại. Còn bao nhiêu đó em đem về...
Duyên đã đồng ý, Bình cho phép Duyên ba ngày để sắp xếp, nhưng Duyên đã xin được đi năm ngày.
Và trong năm ngày đêm ấy, Duyên đã sống trong một tâm trạng bất bình thường. Bình biết, nhưng anh cứ nghĩ Duyên đang tính toán để rút về những đồng tiền chung chạ bán buôn. Bình đinh ninh rằng trong năm ngày đêm ấy, Bình sẽ kéo được Duyên trở về. Song kết quả thật bất ngờ: Bình đã thật sự mất Duyên.
Đêm cuối cùng, gà gáy, Duyên đã dậy nấu cơm để lại cho cha con Bình. Xong đâu đó Duyên đến bên giường nói nhỏ:
- Chỉ còn một khoản nợ nhỏ nữa, hôm nay em đi lấy nốt. Anh nhớ nhắc con ăn sáng.
Hai đứa con vẫn ngủ rất vô tư. Duyên còn quay vào nhà nhiều lần nữa. Duyên hôn con thật nhiều. Duyên đã hành động như vậy trước mặt người chồng mù trước lúc ra đi. Chỉ để lại cho cha con Bình ba gian nhà trống trải, Duyên mang theo toàn bộ vốn liếng của gia đình.
Hai bên gia đình cha mẹ và hàng xóm chung quanh còn sững sờ hơn cả chính Bình. Đột nhiên, Bình trở thành một nạn nhân đáng thương nổi tiếng khắp cả làng.
Đêm hôm sau, Bình cùng hai đứa con mới lủi thủi lục chiếc tủ bàn thờ tìm lại tấm thẻ thương binh...
Vâng ! Cái đêm ấy, trong bốn ngày đêm ấy, trong gần nửa năm ấy, Duyên đã dối chồng. Còn với con ? Thật ra Duyên vẫn thương yêu chúng, nhất là từ sau ngày Bình đã mù. Duyên những tưởng sẽ kéo dài mãi được sự dối trá trước đôi mắt mù loà của chồng. Thật ra, lúc đầu, Duyên cứ nghĩ giản đơn là mình chỉ quan hệ vờ vịt để thuận lợi cho công việc làm ăn thôi. Những bạn buôn như Duyên đều có chung ý nghĩ như thế. Để đến bây giờ, Duyên mới hiểu rằng: thật ra, đó chỉ là những lời tự biện minh một cách giả tạo cho những hành động sai lầm.
Chàng xe thồ trẻ tuổi cứ y như là đoán biết trước những chuyến hàng Duyên đến. Sự đón đưa trên mối quan hệ giữa một khách hàng và một người đạp xe thồ đã phần nào che mắt được nhiều người. Kế đó là những lần anh ta không lấy tiền công. Kế đó là những hành động quan tâm khá đặc biệt. Và cứ như thế họ gần gũi nhau. Cho đến một hôm, khi biết có thuế vụ kiểm tra đột xuất, anh ta đã bươn bả đạp xe ra ngoại ô để chặn xe lại và đưa hết hàng của Duyên xuống. Chuyến ấy, tất cả hàng trên xe đều bị tịch thu. Anh ta đã ghi một bàn thắng vàng ngay vào trái tim Duyên. Rồi sau những chuyến hàng đêm, họ đã có thì giờ bên nhau, ngồi với nhau trong một quán ăn. Duyên ngày càng cảm thương, thông cảm với những éo le của cuộc đời riêng của anh ta. Anh mồ côi cha mẹ, hiện đã có một vợ và một đứa con. Song vì phải sống lệ thuộc gia đình vợ, anh đâm chán ngán. Đã bao lần chợt nghĩ về chồng, về con, về đứa con của anh ta, Duyên đã tự hứa với lòng mình là không được bước đi quá trớn. Vậy mà rồi... sự quan tâm, lo lắng, đeo đuổi của anh cùng với sự tương đồng về nỗi bất hạnh trong tình vợ chồng của hai người đã trở thành sợi dây vô hình ràng buộc họ. Mỗi lần về khuya, nghe chồng hát cho con nghe cái điệu nhạc boléro buồn buồn quen thuộc khiến Duyên vững tin rằng mình không thể nào như thế được. Song rồi... những chuyến hàng vào thành phố, cứ khi gần đến bến xe, nơm nớp trong nỗi lo sợ công an, thuế vụ kiểm tra là Duyên lại nghĩ ngay đến anh ta. Khi thấy dáng anh xuất hiện, Duyên cảm thấy vui hơn và rất an lòng. Và cay nghiệt thay, lúc đó, Duyên chợt nghĩ: giá như Bình không mù loà để trở thành chỗ tựa của mình như vậy thì hạnh phúc biết chừng nào ! Hoàn cảnh đã ném Duyên vào một thế đứng khá éo le. Cứ như Duyên đang đứng trước một trạm kiểm tra hàng. Dừng lại để chịu mất hàng sẽ lùi về gần với chồng con. Bằng như tiến đến để cứu vốn cứu lời, kiếm miếng ăn cho cả gia đình thì càng xích lại gần anh xe thồ quen thuộc. Chỉ có cách từ bỏ con đường buôn bán. Song trong hoàn cảnh của gia đình Duyên thật khó lòng để ai đủ can đảm từ bỏ. Cứ như vậy, những chuyến hàng vào thành phố ngày càng bị kiểm tra gắt gao thì lại càng kéo Duyên về gần với chàng xe thồ trẻ tuổi. Và rồi, những đêm ở lại thành phố của Duyên ngày càng nhiều hơn. Cuối cùng, mối quan hệ của một người đàn ông đã có vợ và một người phụ nữ đã có chồng trong những đêm tối xa nhà đã dẫn đến kết cục tất yếu... Cả hai tuy không nói ra, nhưng ai cũng đều tìm thấy sự cuốn hút tuyệt cùng mới mẻ của hai thể xác. Đã đến lúc Duyên biết là mình không còn đủ sức để gỡ ra. Duyên biết tội mình lớn đến ngoài sức tưởng tượng. Thế mà rồi vẫn không sao khác được. Thời còn là một cô giáo, trong những cuộc họp giáo viên, Duyên đã từng đập bàn ngang nhiên phê phán bất kỳ một hành vi không lành mạnh nào trong mối quan hệ nam nữ. Vậy mà... chỉ mới gần một năm bỏ nghề Duyên lại khác chính Duyên đến thế. Đúng là... "Đoạn trường ai có qua cầu mới hay"...
Cho đến khi nghe Bình quyết định không cho đi buôn hàng nữa, Duyên biết mình đã bị xô vào một vực thẳm không lối thoát. Giá như cái quyết định này sớm hơn thì hay biết chừng nào! Vẹn cho Duyên mà vẹn cả gia đình. Còn bây giờ, sự cuốn hút của chàng xe thồ trẻ tuổi đầy sinh lực ấy cứ mỗi lần nghĩ đến là Duyên thấy cả người mình nóng bừng lên.
Năm ngày còn lại mà Bình cho phép đã đặt Duyên vào một tình thế vô cùng cay nghiệt. Cái phần lương tâm khi nghĩ về chồng con, gia đình đã bao lần khiến Duyên gào thét với chính mình là: ở lại ! Nhưng rồi bốn ngày đêm ấy, anh xe thồ lại càng lôi kéo Duyên mãnh liệt hơn. Anh ta đã vẽ ra trước mắt Duyên một tương lai hoàn toàn tốt đẹp. Phần anh ta thì đã li dị vợ cách đây một tháng. Mà lạ chưa? Chính Duyên, trong một đêm ân ái đã nổi cơn ghen tuông buột anh phải li dị vợ. Vâng, chính Duyên, chính cái phần đàn bà xác thịt của Duyên chứ không ai khác. Bây giờ chẳng lẽ lại bỏ anh ta giữa đường, liệu có yên thân ! Bốn ngày đêm tan nát, đắng cay ấy, Duyên đã đạt đến đỉnh cao của sự dối lừa mà một người đàn bà có thể làm được.
Giá như Bình là một người bình thường thì có lẽ tội lỗi của Duyên có thể còn tha thứ. Song Bình lại là một thương binh mù loà. Có khi nào bạn cam tâm và tàn nhẫn đến mức cầm trên tay một tờ giấy bạc rồi bảo người ăn mày mù nói đúng đồng bạc màu gì bạn sẽ cho chưa ? Vậy mà Duyên chính là kẻ tàn nhẫn đó. Giá như Duyên ra đi vì tiếng hú gọi tình yêu của anh xe thồ mà để lại ít vốn liếng cho cha con Bình thì còn nhẹ nhàng hơn. Đàng này, Duyên là một người mẹ nhẫn tâm đã mang đi miếng cơm, manh áo của con mình. Có loài thú nào mà đành đoạn giựt mồi của con để ăn riêng mình như Duyên vậy hay không? Chao ôi ! Biết nói thế nào về cái vòng tay ghì riết người chồng mù trong đêm cuối ấy ! Và lý giải thế nào những nụ hôn ấm nồng mà trong đêm cuối cùng người mẹ đặt thật nhiều trên trán hai đứa con thơ ! May mà cái ngôi nhà ba gian kia, Duyên không mang đi được. Nếu mà có phép màu để mang nó đi theo thì bây giờ Duyên đã là con quái vật nào đây khi nghĩ đến ngôi nhà mà chính sự thương yêu của cha mẹ chồng dành dụm cho vợ chồng Duyên
- Phải chết đi ! Chị đập đầu vào gốc duối. Trời Phật nào lại thương hại cho mày !
Cây duối khẽ rung những lá cành, những hạt nước mưa rơi xuống ướt đầm vai chị. Chị nấc lên và ôm ghì lấy thân cây và rung lên điên dại. Cây duối vẫn trơ ra cái thân thể gồ ghề. Những chỗ lõm trên thân cây trợn trừng như những con mắt hằn thù nhìn chị. Chị hoảng hốt thét lên. Nhưng mưa gió và màn đêm đã nuốt mất cái âm thanh kinh hoàng ấy. Chị gục xuống vì nhục nhã, ê chề và vì nước mưa đã thấm vào người, lạnh cóng…
Pháo nổ. Pháo nổ vang. Đám cưới chăng? Không ! Đám cưới của Duyên - Bình ngày xưa đâu có pháo. Chỉ có những tràng đại bác nổ xa và những tràng vỗ tay, những lời chúc mừng tin yêu thắm tình đồng đội.
Hạnh phúc mất mát trong nuối tiếc tội lỗi này khiến chị mơ về ngày cưới của mình như được tổ chức trên một xứ sở mơ hồ nào đó.
Còn đêm nay, chị đang nằm bất động bên gốc duối trước sân nhà vì anh xe thồ trẻ khoẻ kia, sau khi phung phí hết cái gia tài cỏn con của chị đã dứt áo theo một người đàn bà goá, chủ một vườn cà phê rộng lớn ở Tây Nguyên…

Trời sáng...
Sau tiếng hô hoán của hai đứa con, bà con hàng xóm đã đến vật cái thân thể lạnh ngắt, co ro bên gốc duối già đưa vào bệnh viện...
Tuy có hốt hoảng và lo sợ, song hai đứa trẻ vẫn không giấu được nỗi mừng vui khi biết mẹ đã trở về.
Trong lúc đó, người chồng vẫn không thấy được gì ngoài nỗi đớn đau điếng hết cõi lòng đang dâng lên chận nghẹt cổ anh.
Từ sau vành kính đen, đôi mắt mù loà của Bình lăn tròn hai dòng lệ...

Quảng Ngãi, 12/1987 - 12/2006
MBA