Thứ Hai, 10 tháng 10, 2016

VẮNG

VẮNG
Trần Anh Dũng

Giờ này phố xá lên đèn
thành phố nhốt vào trong từng ô cửa nhỏ
hạnh phúc
tình yêu
cũng nhốt vào trong đó
chỉ mình anh lang thang
mình em lang lang
hai đứa đứng trước hai ô cửa vắng
Anh ngồi nghe tiếng lá ran vỉa hè
kể nhau nghe về một ngày rất nắng
những gót giày đã lặng
tìm về căn nhà mình
tìm về tình yêu mình
may rằng có anh nghe được
lá khô nói gì với nhau
may rằng có em hiểu được
lá khô nhớ nắng thế nào
Mình xa nhau
ở hai dãy phố
phố anh rưng rức sưa vàng
phố em nồng nàn hoa sữa
đợi tý khi trăng vàng rỡ
soi rằm mà nhìn thấy nhau...

Tam kỳ, 7/2016

Thứ Năm, 21 tháng 3, 2013


CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM ĐỐI VỚI HOÀNG SA, TRƯỜNG SA QUA CÁC NGUỒN THƯ TỊCH (4)


>> Chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa qua các nguồn thư tịch (3) 


* Bài cuối: Các học giả trên thế giới nói gì về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa?
(Cadn.com.vn) - Cái gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với hai quần đảo mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam), cũng như với gần 80% diện tích của Biển Nam Trung Hoa (tức biển Đông), không chỉ bị các học giả Việt Nam phản bác mà còn bị các học giả trên thế giới phủ nhận, chỉ trích gay gắt.
Trong cuốn sách Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, do NXB L’Harmattan ấn hành tại Pari tháng 3-1996, bà Monique Chemillier – Gendreau giáo sư khoa Công pháp và Khoa học Chính trị của Trường Đại học Paris VII-Denis Diderot, một gương mặt sáng giá của Hội Luật gia quốc tế, đã đưa ra những luận cứ nghiêm túc, khách quan về vấn đề chủ quyền trên hai quần đảo này. Nhận định đây là một cuộc tranh chấp vừa có tính lịch sử vừa có tính pháp lý nên sử gia Munique yêu cầu phải xem xét kỹ các nguồn sử liệu để trên cơ sở đó các luật sư đưa ra các kết luận của mình.
Đối với những lập luận của Trung Quốc, bà cho rằng những tài liệu mà các học giả Trung Quốc trưng dẫn như Nam châu dị vật chí, Phù Nam truyện, Dị vật chí, Lĩnh ngoại đại đáp, Chư phiên chí, Đảo di chí lược, Đông Tây dương khảo, Vũ bị Chí v.v..., đều “chỉ được xếp vào số các tài liệu chứng minh sự hiểu biết chung các địa điểm chứ không có ích gì cho lập luận pháp lý”. Việc Trung Quốc vin vào cái cớ trong thư tịch cổ của mình có nói đến việc trông thấy các đảo ở Nam Hải để rồi cứ chủ trương “hễ cái gì tôi thấy là của tôi” thì đó chính là một sự xâm lược, nhưng “bằng cách quanh co đó và không đếm xỉa đến các dân tộc, người ta có thể tiết kiệm không dùng từ xâm chiếm mà nói đơn giản là phát hiện”. Nữ giáo sư này chỉ ra rằng, các tham vọng của Trung Quốc còn mâu thuẫn bởi chính các nguồn tư liệu khác của họ, bởi có quá nhiều tài liệu địa lý cổ mô tả và phân định rõ lãnh thổ của đế chế Trung Hoa có điểm tận cùng ở phía nam là đảo Hải Nam. Và rằng, chính cuốn Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết về chi tiết các thủy thủ Việt Nam đắm thuyền gần quần đảo Hoàng Sa, bị trôi dạt tới bờ biển Trung Quốc, được các nhà chức trách Trung Quốc điều tra và đưa về quê hương mà không có sự phản kháng nào, cả việc viên Tổng đốc Lưỡng Quảng từ chối trách nhiệm giải quyết hai vụ ngư dân đảo Hải Nam cướp lấy hàng hóa trên hai con tàu đắm của Đức và của Nhật tại quần đảo Hoàng Sa với lời giải thích Hoàng Sa là các đảo đã bỏ rơi, không thuộc về Trung Quốc, đủ cho thấy lập luận về chủ quyền đối với quần đảo này của của Trung Quốc thời gian qua là không có cơ sở.
Bìa sách “Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” 
của nữ giáo sư Monique Chemillier - Gendreau
Ngược lại, bà Monique Chemillier – Gendreau đánh giá cao các nguồn tài liệu của Việt Nam, vì có rất nhiều và ăn khớp với nhau, lại được bổ sung bằng các ghi chép của nước ngoài đáng tin cậy. Sau khi dẫn lại các nguồn thư tịch như Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, các châu bản và các sách Đại Nam thực lục chính biên, Đại Nam nhất thống chí, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ của Triều Nguyễn, bà đi đến khẳng quyết: Với quần đảo Hoàng Sa “các quyền của Việt Nam lâu đời hơn và vững chắc hơn mặc dù các đòi hỏi của Trung Quốc đã được cụ thể hóa nhờ việc chiếm đóng bằng vũ lực cách đây 39 năm đối với một bộ phận quần đảo và cách đây 29 năm đối với bộ phận kia. Việc xem xét một cách chi tiết các danh nghĩa lịch sử như tôi đã cố gắng thể hiện trên các trang trước dựa trên các tư liệu chắc chắn nhất, chững tỏ danh nghĩa của Việt Nam đã được khẳng định rõ ràng ngay từ đầu thế kỷ XVIII. Các luận cứ mà TQ viện dẫn cho đến nay không cho phép xác nhận sự tồn tại các mối quan hệ pháp lý xưa của thiên triều Trung Quốc với các lãnh thổ đó ” . Với quần đảo Trường Sa tác giả cũng cho rằng khó mà đưa ra những bằng chứng để bác bỏ một sự đồng nhất hóa hai quần đảo (Hoàng Sa và Trường Sa) trong sự quản lý của các vua An Nam. Và như vậy, “Ứng cử viên nghiêm chỉnh nhất giành danh nghĩa trên các đảo này về cả căn cứ lịch sử cổ xưa của họ lẫn cơ chế pháp lý về thừa kế các quyền đã được thực dân khẳng định, đúng là Việt Nam. Nam Việt Nam đến năm 1975 rồi nước Việt Nam tái thống nhất sau đó đã xác định sự có mặt rộng rãi nhất có thể có bằng cách chiếm đóng một số đảo nhỏ”. Còn với việc Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa và một số đảo của quần đảo Trường Sa, nữ giáo sư này cho rằng, đấy là một sự vi phạm thô bạo luật quốc tế hiện đại (Hiến chương Liên Hiệp Quốc: Điều 2, khoản 4) nên “sẽ không bao giờ và bằng bất kỳ cách nào có thể chuyển thành một danh nghĩa có giá trị và được công nhận”.
Với giáo sư Carlyle A. Thayer (Học viện Quốc phòng Úc) thì chỉ nguồn tài liệu bản đồ thôi cũng đủ để ông nhận định: “Những tấm bản đồ, chẳng hạn như sưu tập bản đồ của Trần Thắng, đã cung cấp những hiểu biết mới về lịch sử hình thành những tuyên bố về chủ quyền hiện nay. Những bản đồ này đã chứng tỏ mâu thuẫn của Trung Quốc trong việc tuyên bố “chủ quyền không thể tranh cãi” của họ.
Cùng lên tiếng phản đối những yêu sách phi lý của Trung Quốc, khi Cty dầu mỏ ngoài khơi nước này ký một hợp đồng đặc nhượng cho Cty Năng lượng Cresitoner của Mỹ (8-5-1992) vào thăm dò dầu khí tại khu vực Tư Chính và lập luận rằng khu vực này thuộc vùng nước kế cận quần đảo Nam Sa, lãnh thổ của Trung Quốc, luật sư Brice M. Claget đã đưa ra tài liệu nghiên cứu phân tích về mặt pháp lý liên quan đến khu vực này đăng trên tạp chí “Dầu mỏ và khí đốt của Anh”, số 10 và 11/1995. Trong đó, ông đã chứng minh rằng “yêu sách của Trung Quốc là bất hợp lý”, đối lập với những nguyên tắc của luật pháp quốc tế điều chỉnh quyền đối với thềm lục địa và ranh giới biển, và sẽ bị bất kỳ một tòa án nào bác bỏ khi áp dụng Công ước của Liên Hợp Quốc về luật Biển hay luật tập quán quốc tế. Vị luật sư này còn nhấn mạnh rằng, “yêu sách về vùng nước lịch sử của Trung Quốc, nếu quả có vùng nước lịch sử ấy cũng sẽ bị đánh bật không chỉ do Trung Quốc không khẳng định được yêu sách này, mà còn do luật pháp quốc tế nữa”.
Trong lúc Trung Quốc còn úp mở về tấm bản đồ chín đoạn (còn gọi là đường chữ U hay đường lưỡi bò), nữ giáo sư Monique Chemillier – Gendreau đã gọi đó là tham vọng biến Nam Hải theo cách gọi của những nhà địa lý học thành “vũng hồ quốc gia” của Trung Quốc. Tham vọng đó không những trái ngược với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 mà còn cả với quy định của Trung Quốc về chiều rộng lãnh hải. Tháng 5-2009, khi Trung Quốc công khai dương mưu này bằng việc chính thức yêu cầu Liên Hiệp Quốc lưu truyền trong cộng đồng các nước thành viên tấm bản đồ chín đoạn nhằm yêu sách không chỉ các đảo, đá mà toàn bộ vùng biển trong đó, có học giả đã mỉa mai gọi đấy là “tuyên bố chủ quyền mặt trăng”. Hai học giả danh tiếng về luật quốc tế của Châu Âu là Erik Franckx & Marco Benatar trong một nghiên cứu Chấm và vạch trong Biển Đông: nhìn nhận từ Luật chứng cứ bản đồ đã đưa ra một phân tích về mặt pháp lý quốc tế đối với bản đồ này. Theo hai tác giả, các yếu tố sau đây chứng tỏ sự thiếu sót về chứng cứ vốn có của đường chín đoạn của Trung Quốc. Một là, các bản đồ đường chín đoạn của Trung Quốc đưa ra không tương thích nhau. Bản đồ trước năm 1953 bình thường gồm có 11 vạch nhưng sau đó chỉ còn 9 đoạn. Thậm chí, một bản đồ điện tử trực tuyến gần đây của Cục Khảo sát và Bản đồ Nhà nước Trung Quốc ngày 21- 10- 2010 lại thêm một đoạn nữa mà không có lý do nào được đưa ra cho việc loại bỏ hai vạch trong quá khứ hay việc thêm vào vạch thứ mười mới gần đây. Hai là, ký hiệu bản đồ rời rạc, nhập nhằng, không thể hiện được mục đích về tính rõ ràng, bởi cách mô tả của đường 9 đoạn sai lệch với các tiêu chuẩn vẽ bản đồ quốc tế được Tổ chức Thủy văn Quốc tế đề ra. Ba là, thiếu tính trung lập vì chỉ do Trung Quốc tự vẽ ra đường 9 đoạn, chứ không có một tấm bản đồ nào của nước khác vẽ như vậy. Bốn là, thiếu sự chính xác nghiêm ngặt về tiêu chuẩn kỹ thuật, vì cho đến nay nó chưa bao giờ được phân ranh giới chính xác, do đó thiếu các tọa độ địa lý chính xác. Năm là, nó bị các nước trong khu vực phản đối. Hai tác giả nói thẳng, yêu sách đường 9 đoạn lạ lùng của Trung Quốc là quá đáng, thể hiện những tham vọng “cực kỳ bất thường” của Trung Quốc đối với vùng biển Đông.
Từ những phân tích trên, hai tác giả đi đến kết luận: Việc Trung Quốc  duy trì một tuyên bố đơn phương trong một khoảng thời gian kéo dài mà không xem xét tới quyền lợi của các bên quan tâm khác là đồng nghĩa với việc áp đặt một việc đã rồi. Điều này sẽ vuột mất đi khi đối mặt với luật quốc tế, vì luật pháp quốc tế ngăn không cho các nước mạnh yêu sách “giành phần trọn” gây thiệt hại cho các nước láng giềng yếu hơn.
PGS, TS Ngô Văn Minh


CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM ĐỐI VỚI HOÀNG SA, TRƯỜNG SA QUA CÁC NGUỒN THƯ TỊCH (3)


* Bài 3: Triều Nguyễn chính thức chiếm hữu và tiếp tục thực thi chủ quyền trong suốt thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX
(Cadn.com.vn) - Theo một tờ trình còn lưu giữ tại nhà thờ họ Võ ở huyện đảo Lý Sơn đề ngày mùng 1 tháng 10 năm Gia Long thứ hai (1803) thì Cai cơ ngự quản đội Hoàng Sa do Khâm sai Cai thủ cửa biển Sa Kỳ có tước hầu (Phú Nhuận hầu) kiêm quản. Một tờ đơn khác lưu giữ tại nhà thờ họ Phạm Quang cũng ở huyện đảo Lý Sơn đề ngày 11 tháng 2 năm thứ 3 niên hiệu Gia Long (1804) xin tách ra khỏi địa phận xã An Hải trong đất liền, trong đó ghi rõ, liền ngay sau khi Nguyễn Ánh đánh lấy được vùng đất Quảng Ngãi, người dân ở Cù lao Ré đã làm đơn lập lại đội Hoàng Sa như trước. Một tài liệu khác là tờ lệnh được gia tộc họ Đặng ở Lý Sơn cất giữ suốt 176 năm trước khi trao tặng cho chính quyền, cho biết khá cụ thể về hoạt động vãng thám Hoàng Sa: “Chiếu theo tháng trước tiếp được công văn của Bộ Binh, vâng sắc (Triều đình) cho bộ ấy trước là phải thi hành việc tuyển chọn, trưng tập 3 thuyền, sửa sang bền chắc, đợi sẵn ở kinh. Các phái viên và lính thủy đi trước để cùng thám sát các vùng của xứ Hoàng Sa...”. Đấy là nguồn tài liệu trong dân, còn những thông tin về sự chiếm hữu và khai thác đối với Hoàng Sa và Trường Sa thì có rất nhiều trong những tài liệu chính thống của Triều đình. Trong số châu bản từ năm 1830-1847 hiện còn 11 văn bản, gồm 7 bản tấu, 2 phúc tấu và 2 dụ của vua Minh Mạng liên quan đến Hoàng Sa. Trong số phúc tấu và tấu đó có 2 bản của Thủ ngữ Đà Nẵng tâu báo với vua Minh Mệnh về việc tàu buôn Pháp từ cảng này đi Lữ Tống bị va phải đá ngầm ở phía Tây đảo Hoàng Sa, cảng đã phái thuyền đi cứu hộ; còn phúc tấu đề ngày 12-2 năm Minh Mạng thứ 17 (1836) của Bộ Công về việc cử đội thuyền đi Hoàng Sa được nhà vua châu phê: “Mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ (cột mốc) dài 4,5 thước, rộng 5 tấc, khắc sâu hàng chữ “Năm Bính Thân (Minh Mệnh 17), họ tên cai đội thủy quân phụng mệnh đi đo đạc cắm mốc ở Hoàng Sa để lưu dấu”.
Sau châu bản là bộ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ do Nội các Triều Nguyễn biên soạn kéo dài 13 năm, từ 1843 đến khi hoàn thành và có chiếu chỉ khắc in vào năm 1855 theo thể loại Hội điển. Quyển 207 về quy chế đàn miếu viết rõ hơn công việc xây dựng trên đảo: Vào năm Minh Mệnh thứ 16 [1835] vua “chuẩn y lời tâu cho tỉnh Quảng Ngãi dựng miếu Hoàng Sa một gian (làm kiểu nhà đá) ở phía tây nam cồn cát trắng. Bên tả dựng bia đá (cao 1 thước 5 tấc, mặt 1 thước 2 tấc), phía trước xây bức bình chắn, phía tả phía hữu và phía sau trồng các loại cây”. Quyển 221 thì cho biết rất cụ thể sự chỉ đạo của Triều đình đối với việc đo đạc lập đồ bản về Hoàng Sa một cách khoa học hơn: “Năm thứ 17, vua chuẩn y lời tâu rằng: “Hoàng Sa thuộc khu vực ngoài biển rất là hiểm yếu” nên “vẫn phái biền binh, thủy quân và giám thành cưỡi một chiếc thuyền sơn đen lái đến đích chỗ Hoàng Sa. Không cứ đảo nào, cửa bể nào thuyền chạy đến, sẽ đem nơi ấy chiều dài chiều ngang bề cao bề rộng chu vi đều bao nhiêu, và bốn bề nước bể nông hay sâu? có cát ngầm, đá mỏm hay không, ở hình thế hiểm trở hay bình thường xem đo tỏ tường vẽ thành đồ bản”.
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa
 tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).
Cùng với bộ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ có hai bộ sách Đại Nam thực lục chính biên và Đại Nam nhất thống chí đều do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn cũng ghi lại rất nhiều sự việc liên quan đến quá trình thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Triều Nguyễn, bao gồm cử đội Hoàng Sa đi đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ; dựng đền thờ thần; lập bia; trồng cây cối để tàu thuyền đi lại ngoài khơi xa dễ nhận biết,  ngõ hầu tránh khỏi được nạn mắc cạn. Chẳng hạn, quyển 22 sách Đại Nam thực lục chính biên cho biết, năm 1803 “Lấy cai cơ Võ Văn Phú làm Thủ ngự cửa biển Sa Kỳ, sai mộ dân ngoại tịch lập đội Hoàng Sa”. Năm 1815 vua Gia Long “Sai đội Hoàng Sa là bọn Phạm Quang Ảnh ra đảo Hoàng Sa thăm dò đường biển” (quyển 50). Như vậy, điều này phù hợp với nội dung tờ trình còn lưu giữ tại nhà thờ họ Võ ở huyện đảo Lý Sơn như đã dẫn ở trên. Năm sau (1816) nhà vua lại “sai thủy quân và đội Hoàng Sa đi thuyền ra Hoàng Sa để thăm dò đường thủy” (quyển 52). Quyển 165 ghi lại việc Bộ Công tâu vua Minh Mệnh định lệ hằng năm đến hạ tuần tháng giêng, xin phái thủy quân và vệ Giám thành đáp thuyền ô từ Thuận An đến Quảng Ngãi giao nhiệm vụ cho quan hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định thuê 4 chiếc thuyền của dân, dẫn đường ra Hoàng Sa đo đạc, vẽ thành bản đồ như nội dung thể hiện trong quyển 221 của Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Cũng sách này, quyển 154 mô tả khá kỹ về hình dáng của Hoàng Sa.
Sách Đại Nam nhất thống chí (tỉnh Quảng Ngãi) cũng mô tả quần đảo Hoàng Sa như đã thể hiện ở quyển 154 của Đại Nam thực lục chính biên. Cả sách Quốc triều chính biên toát yếu cũng ghi lại nội dung tương tự.
Và mặc dù đã bị Pháp thực hiện chính sách “bảo hộ” kể từ năm 1884  nhưng Triều đình Huế vẫn xem Hoàng Sa và Trường Sa là một bộ phận lãnh thổ của vương quốc và luôn thể hiện sự quan tâm của mình đối với hai quần đảo này. Kể từ sau khi Pháp thiết lập địa lý hành chính đối với quần đảo Hoàng Sa, hàng năm Triều đình Huế phái một viên quan cùng với viên đại diện của chính quyền Pháp ở Trung Kỳ ra kinh lý đảo. Không chỉ có thế, vua Bảo Đại còn ký đạo dụ số 8 vào ngày 30-3-1938 khẳng định “các cù lao Hoàng Sa thuộc về chủ quyền nước Nam đã lâu đời” và “trước chuẩn tháp nhập các cù lao Hoàng Sa (Archipel des Iles Paracels) vào địa hạt tỉnh Thừa Thiên; về phương diện hành chánh, các cù lao ấy thuộc dưới quyền quan Tỉnh hiến tỉnh ấy”. Gần đây nhà nghiên cứu Phan Thuận An đã phát hiện và trao tặng cho Bộ Ngoại giao hai tài liệu gồm một thư tiếng Pháp của Khâm sứ Trung Kỳ Graffeuil đề ngày 2-2-1939 và một tờ tâu bằng tiếng Việt đề ngày 3-2-1939 của Tổng lý Ngự tiền Văn phòng lên vua Bảo Đại về nội dung lá thư của viên Khâm sứ xin nhà vua truy tặng Long tinh của Nam triều cho chánh cai đội hạng nhất của ngạch lính khố xanh Trung Kỳ là Louis Fontan vừa tạ thế vì bị nhiễm bệnh trong thời gian công tác ở đảo Hoàng Sa. Ngoài ra, tại Trung tâm lưu trữ quốc gia II còn lưu giữ nhiều tài liệu của chính quyền Việt Nam Cộng hòa như danh sách nhân sự và quân nhân trên đảo, cùng những công điện về việc theo dõi và bắt giữ thuyền nhân Trung Quốc xâm nhập một số đảo trên quần đảo Hoàng Sa v.v...
Những tài liệu trên cho thấy, nhà nước phong kiến Việt Nam dưới thời các vua Triều Nguyễn đã chính thức chiếm hữu và tiếp tục thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong suốt thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX. Sự thực thi chủ quyền đó lại được tiếp diễn dưới thời chính quyền Việt Nam Cộng hòa đối với Hoàng Sa cho đến ngày 19-1-1974 bằng việc ra Sắc lệnh đặt quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam; quần đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Phước Tuy, cùng với đưa quân đến đồn trú và tổ chức các hoạt động nghiên cứu tại hai quần đảo này. Tư liệu về các hoạt động này đều được lưu giữ tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tiếp quản, thực thi chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa kể từ tháng 4-1975 cho đến nay.
PGS, TS Ngô Văn Minh


Thứ Hai, 18 tháng 3, 2013

Giới thiệu tác giả Trúc Phương (Trương Phước)


         TÌNH TRĂNG XƯA
   Trúc Phương
                                          *Tặng HT TrườngTiểu học Tân Hiệp

                               Bình minh
                               tại chốn Bải Làng
                               Gặp nhau ngắn ngủi
                               thời gian chưa tường
                               Bao nhung nhớ
                               bấy nhiêu thương
                               Cạn trao
                               giây phút
                               xây trường ngày mai
                               Chuẩn một
                               rồi lại chuẩn hai
                               Cảnh quang xanh đẹp
                               tương lai rạng ngời
                            
                               Ra về
                               vương vấn
                               Đào ơi !
                               Cá ngon Tân Hiệp
                               thắm phơi nghĩa tình
                               Hởi người duyên dáng
                                xinh xinh
                               Gợi ta nỗi nhớ
                               chút tình trăng xưa.
                                  09/03/2013
                                TP


      CÙ LAO CHÀM TRONG TÔI
                                                   Trúc Phương

                            Ta về biển gọi Cù Lao . . .
                            Lên tàu cao tốc biển chao sóng dồi
                            Hướng về đảo nhỏ đẹp ơi ! ! !
                            Hòn Chồng bơi lặn tuyệt vời san hô
                            Bàng reo nắng ấm điểm tô
                            Thú vui câu cá hẹn hò đón đưa
                            Võng đu hóng mát canh trưa
                            Râm ran chuyện kể nắng mưa sự đời
                            Chiều lên biển tắm nghĩ ngơi
                            Đêm về náo nức trò chơi lửa hồng
                            Giao lưu tình cảm mặn nồng
                            Hát ca nhảy múa hoà đồng Quế Trung
                            Cùng ai chia sẽ riêng chung
                            Thâu đêm lửa đỏ bập bùng biển khơi
                            Mồi ngon rượu quí bạn mời
                            Chén tình chén nghĩa hát lời sắc son
                            Tò Vò Hang Cả chon von
                            Đá xây tổ ấm nuôi con Yến Sào
                            Yến Sào quý giá thanh cao
                            Ấy là đặc sản ngọt ngào Hội An
                            Biết bao tình cảm chứa chan
                            Cả đoàn chiêm ngưỡng huyền hoang Hang Bà
                            Sáng lòng ta thốt câu ca
                            Đá sinh trời tạo món quà thiên nhiên
                            Bãi Làng cảnh thái bình yên
                            Cù Lao để lại mối duyên bận lòng
                            Ta về lưu luyến hoài mong
                            Hẹn ngày trở lại thong dong biển tình
                            9.3.2013
                          TP

                                                 


Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2013


NHỮNG TẤM BẢN ĐỒ CỦA TRUNG QUỐC VÀ VIỆT NAM NÓI GÌ VỀ CÁC ĐẢO Ở BIỂN ĐÔNG? (2)
>> Những tấm bản đồ của Trung Quốc và Việt Nam nói gì về các đảo ở Biển Đông?

* Bài 2: Trung Quốc bành trướng dần cương giới bản đồ xuống Biển Đông như thế nào?

 Từ khi viên đô đốc Lý Chuẩn đem 2 pháo thuyền đi xuống phía nam, có đổ bộ chớp nhoáng lên đảo Phú Lâm rồi quay về ngay thì từ đó Trung Quốc bắt đầu từng bước đưa vào bản đồ của mình các quần đảo ở Biển Đông. Một số học giả của Trung Quốc cùng có tư tưởng bành trướng lãnh thổ đã tìm cách chứng minh hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam chính là Vạn Lý Trường Sa và Thiên Lý Thạch Đường (hay Thiên Lý Trường Sa và Vạn Lý Thạch Đường) thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Họ viện dẫn đoạn viết về lịch sử và địa lý đảo "Hải Nam" trong Chư Phiên Chí của Triệu Nhữ Quát đời Tống để chứng minh rằng "Các đảo Nam Hải từ năm thứ 5 niên hiệu Trinh Nguyên đời Đường (789) đã thuộc phạm vi quản hạt của Trung Quốc" (Hội biên sử liệu các đảo Nam Hải nước ta). Tuy nhiên, điều viện dẫn đó hoàn toàn sai lệch, bởi Chư Phiên Chí là cuốn sách viết về nước ngoài chứ không phải nội dung chính viết về lãnh thổ Trung Quốc và đoạn họ trưng dẫn chỉ mô tả vị trí địa lý của đảo Hải Nam mà thôi. Theo đó phía đông của Hải Nam là Thiên Lý Trường Sa và Vạn lý Thạch Đường chứ không hề nói hai quần đảo này thuộc về Hải Nam hay với Trung Quốc nói chung. Không chỉ thế, thời Nam Tống, cuốn Lĩnh Ngoại Đại Đáp của Châu Khứ Phi còn xác nhận: "Vạn Lý Trường Sa tọa lạc tại Giao Chỉ Dương".
Các học giả Trung Quốc còn trưng dẫn Trực tỉnh hải dương tổng đồ trong Dương phòng tập yếu (1838) nói là trên đó có vẽ "Vạn Lý Trường Sa" và giải thích địa danh này chỉ chung các đảo Nam Hải; đồng thời giải thích "Cửu Nhũ Loa Châu" trong Quảng Đông dương đồ (cũng trong Dương phòng tập yếu) là quần đảo "Tây Sa". Sự thật thì trên "Trực tỉnh hải dương tổng đồ", ngoài "Vạn Lý Trường Sa" còn vẽ "Tiểu Lưu Cầu", "Đại Lưu Cầu" (nay là quần đảo Ryu-kyu của Nhật Bản) và "Đối Mã" (nay là đảo Tsuma của Nhật). Điều này có nghĩa là các quần đảo này đều ở bên ngoài Trung Quốc, bởi nếu "Vạn Lý Trường Sa" được giải thích là lãnh thổ của Trung Quốc thì cũng có nghĩa quần đảo Ryu-kyu và đảo Tsuma của Nhật hiện nay cũng là của Trung Quốc?!
Đại Thanh Nhất Thống Thiên Hạ Toàn đồ (năm 1818)
thể hiện Hoàng Sa,Trường Sa đều nằm ngoài
 cương giới lãnh thổ Trung Quốc. 
Cố tìm thêm chứng cứ, các học giả Trung Quốc còn vin vào Hải quốc đồ chí là cuốn thư tịch về địa lý thế giới do Ngụy Nguyên biên soạn năm 1852, vì trong Duyên cách đồ cách quốc Đông Nam Dương (biển Đông Nam) của sách này có xuất hiện các địa danh Vạn Lý Trường Sa và Thiên Lý Thạch Đường, song tên của bản đồ này chỉ chính xác đây là bản đồ Đông Nam Á, và trên bản đồ cũng không có bất cứ ký hiệu gì thể hiện hai quần đảo này thuộc Trung Quốc. Kể cả trước đó có Đại Thanh nhất thống thiên hạ toàn đồ do Chu Tích Linh vẽ vào năm 1818, là tấm bản đồ về cương giới quốc gia với đường biên giới của Trung Quốc được viền màu đỏ. Kim Môn, Hạ Môn và đảo Hải Nam đều dùng màu đỏ vẽ liền với đại lục, còn Đài Loan và quần đảo Đan Sơn thì được khoanh tròn riêng, cũng bằng màu đỏ để chứng tỏ là một phần của Trung Quốc. Dù trong bản đồ này có xuất hiện tên hai quần đảo trên nhưng những địa danh này cùng với Johor, Mãn Thích Gia (tiếng Anh là Strait of Malacca; tiếng Malai là Selat Melaka) và Srivijaya... đều nằm ngoài cương giới lãnh thổ Trung Quốc.

Việc quy thuộc các đảo Nam Hải vào lãnh thổ Trung Quốc là cả một quá trình. Quảng Đông dư địa toàn đồ (năm 1909) được xem là tấm bản đồ vẽ Tây Sa và Đông Sa vào lãnh thổ Trung Quốc sớm nhất trong số các bản đồ vào cuối triều Thanh, nhưng đến Trung Hoa dân quốc tân khu vực đồ (năm 1917) và Trung Quốc địa lý duyên cách đồ, Trung Quốc tân hình thế đồ (năm 1922), rồi Trung Hoa triết loại phân tỉnh đồ (năm 1931) thì chỉ có quần đảo Tây Sa bị quy thuộc vào cương vực Trung Quốc (mặc dù như phần trước đã nói, cho đến Trung Hoa dân quốc tân hưng đồ các năm 1915, 1917 và cả Trung Hoa dân quốc phân tỉnh tân đồ do Vũ Xương Á Tân địa học xã xuất bản vẫn còn vẽ cực nam Trung Quốc ở đảo Hải Nam). Đến Trung Hoa dân quốc tân địa đồ vẽ vào năm 1934 thì cả "Tây Sa" và "Đông Sa" đều quy thuộc vào lãnh thổ Trung Quốc. Sau năm 1935 Thân báo tái bản lại Trung Quốc phân tỉnh tân đồ, trong đó xuất hiện các dòng chữ quần đảo Nam Sa và quần đảo Đoàn Sa. Quần đảo Nam Sa khi ấy là chỉ quần đảo Trung Quốc gọi là Trung Sa hiện giờ, còn quần đảo Đoàn Sa khi ấy là chỉ quần đảo Trung Quốc gọi là Nam Sa hiện giờ. Đến năm 1936, đã có nhiều đảo ở Nam Hải hơn trong Trung Hoa dân quốc bưu chính dư đồ. Từ  năm 1939 trở đi, việc mở rộng cương giới bản đồ đã được thừa nhận phổ biến trong các nhà bản đồ học Trung Quốc. Tập bản đồ Trung Quốc tỉnh thị địa phương tân đồ có riêng một bản đồ về các quần đảo ở Nam Hải. Đảo Hoàng Nham được gọi tên là Ska Barlow Reef, nhưng nó lại được thể hiện không phải là một phần của quần đảo Trung Sa mà cả nó cùng với Trudeau reef (Trudeau Road reef) đều được đánh dấu riêng, có thêm dòng chữ "thuộc Trung Quốc". Năm 1940 có Trung Quốc phân tỉnh minh tế đồ thể hiện đường phân giới nhiều chấm liền nhau vẽ chiếu theo đường bờ biển của các quốc gia Nam Hải khác với hình dáng như đường lưỡi bò về sau này.

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, hải quân của chính quyền Tưởng Giới Thạch phái chiến hạm mang tên Thái Bình do Lâm Tuân chỉ huy đi tuần sát biển Nam Hải xem có tàn dư quân Nhật hoặc nạn dân bị kẹt đâu đó hay không. Khi về lại căn cứ, Lâm Tuân cùng mấy chuyên viên quan trắc, hoạ đồ xúm lại vẽ ra một tấm bản đồ gọi là Nam Hải chư đảo vị trí đồ trong đó có 11 nét mực đỏ bao gồm một diện tích biển như đã thể hiện ở Trung Quốc phân tỉnh minh tế đồ, chuyển cho Bộ Nội Chính đem in xuất bản trong tháng 10-1947. Trung Hoa dân quốc đã cố định đường phân giới này, về sau Cộng hòa nhân dân Trung Hoa rút xuống còn 9 đoạn (chiếm gần 80% diện tích Biển Đông), nhưng đến năm 2005 mới công khai yêu sách với Liên Hiệp Quốc. Đường yêu sách này đã bị các nước trong khu vực Biển Đông, cả cộng đồng quốc tế phản đối.
 Trung Hoa dân quốc khu vực đồ (1917).
Vì không có một cứ liệu nào để ủng hộ cho "Đường chữ U" này nên những người khuếch trương nó tự đưa ra một lập luận kỳ quái là "lãnh hải chủ trương", nghĩa là lãnh hải (trên biển Đông) mà nhà cầm quyền Trung Quốc "chủ trương" muốn có và cần phải có, không cần dựa trên chứng cứ pháp lý nào cả! Từ năm 2006 chính phủ Trung Quốc quy định tất cả bản đồ của nước này đều phải thể hiện đường lãnh hải chữ U đó, cả trên tạp chí hàng không mà người viết bài này đã thấy và bóc bỏ trên một chuyến bay của Hãng Hàng không Phương Nam của Trung Quốc, cũng như họ đã cho in hình lên hộ chiếu, bị các nước trong khu vực phản đối kịch liệt, thậm chí Ngoại trưởng Indonesia Marty Natagalewa còn cho rằng việc làm đó là "xảo trá" và "phản tác dụng".
Một số học giả Trung Quốc còn công khai vạch rõ sự vô căn cứ của "đường 9 đoạn" này. Giáo sư Lý Lệnh Hoa, cựu thành viên Trung tâm Tin tức hải dương Trung Quốc thẳng thắn chỉ ra rằng, nếu Trung Quốc cứ giằng co với các nước ở biển Đông thì sẽ không có lợi cho con đường phát triển và xây dựng của mình. Ông nói: "Họ cứ khăng khăng đường chín đoạn là hợp pháp, song điều này chỉ làm cho tình hình Nam Hải (biển Đông) thêm rối ren và không có lợi cho Trung Quốc". Tuy bị phản đối như vậy nhưng đầu năm 2013 Trung Quốc vẫn tiếp tục công bố đã in chi tiết đến 130 đảo ở biển Đông vào bản đồ địa hình của nước mình, mà phần lớn các đảo đó chưa hề được mô tả trong những bản đồ dạng ngang trước đây của họ. Rõ ràng, đây là một bước tiến mới trong cuộc chiến bản đồ từ Không đến "Có" của Trung Quốc. Tất nhiên, những việc làm ngang ngược đó của họ đã bị các nước, trước hết là Việt Nam và Philippines lên tiếng phản đối, xem sự quy thuộc như vậy là "phi pháp và vô giá trị".

PGS - TS. Ngô Văn Minh
(còn nữa)

Giới thiệu nghiên cứu!

Thưa các bạn, trong bài viết đầu năm Quý Tị - 2013, chúng tôi xin vui mừng giới thiệu loạt bài "Những tấm bản đồ của Trung Quốc và Việt Nam nói gì về các đảo ở biển Đông" củ bạn Ngô Văn Minh (PGS - TS hiện công tác tại Học viện Chính trị Trung ương III - T/p Đà Nẵng). Bài được đăng nhiều kỳ trên báo Công an Thành phố Đà Nẵng. Ngày Đoàn Tụ xin phép được đăng lại để anh em trong gia đình C5A9 tiện theo dõi.

NHỮNG TẤM BẢN ĐỒ CỦA TRUNG QUỐC VÀ VIỆT NAM NÓI GÌ VỀ CÁC ĐẢO Ở BIỂN ĐÔNG?
Bài 1: Những tấm bản đồ cổ của Trung Quốc không hề có các đảo “Tây Sa” và “Nam Sa”

LỜI GIỚI THIỆU: Chúng ta đang chứng kiến những phát hiện ngày càng nhiều về bản đồ liên quan đến chủ quyền biển đảo – gồm những tấm bản đồ trải dài suốt nhiều thế kỷ, do người Việt Nam, người Trung Quốc và người phương Tây vẽ. Những phát hiện đó trở thành cứ liệu chắc chắn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa; đồng thời, nó phủ định mạnh mẽ những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo này. Hơn thế nữa, qua xem xét các tấm bản đồ chúng tôi có trong tay, ta có thể hình dung một cách hết sức rõ ràng sự ra đời của một trong những cụm từ gây bức xúc không chỉ đối với Việt Nam mà nhiều nước khác trong khu vực: “Đường lưỡi bò” hay còn gọi là “Đường chữ U”, “Đường 9 đoạn”... Từ số này, Báo Công an TP Đà Nẵng trân trọng giới thiệu loạt bài viết của PGS – TS Ngô Văn Minh, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh khu vực 3, như là cách thức công bố các tài liệu bản đồ khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa – Trường Sa, phủ định những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo này.

       Trung Quốc luôn tuyên bố có bằng chứng không thể chối cãi, rằng hơn 80% diện tích của Nam Hải (đời Tống người Trung Quốc gọi là Giao Chỉ dương – biển Giao Chỉ, về sau gọi là Nam Hải – biển phía nam Trung Quốc, còn người Việt Nam gọi là Biển Đông), trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mà họ tự gọi là “Tây Sa” và “Nam Sa”, từ lâu đã thuộc chủ quyền của họ. Thế nhưng, chỉ xét về nguồn tư liệu bản đồ thôi thì các tấm bản đồ cổ của Trung Quốc từ đời Tống (960-1279) cho đến đời Thanh (1616-1911), kể cả chính thức và không chính thức, không hề bao gồm bất kỳ một quần đảo nào ở biển Nam Trung Hoa cả. Chẳng hạn, các bản đồ khắc đá đời Tống như Vũ tích đồ, Hoa Di đồ (năm 1137), Địa lý đồ (năm 1247); hay Dư địa đồ của Chu Tư Bản đời Nguyên; thời Minh có Quảng dư đồ của La Hồng Tiên, Nguyên lộ, phủ, châu, huyện đồ trong Kim cổ dư địa đồ của Ngô Quốc Phụ (1638); đời Minh có Hoàng Minh đại thống nhất Tổng đồ trong Hoàng Minh chức phương địa đồ của Trần Tổ Thụ (1628-1634); đến đời Thanh có Thanh đại nhất thống địa đồ năm 1760 và Hoàng dư toàn lãm đồ (Hoàng Thanh nội phủ địa đồ) (1761), Hoàng dư toàn đồ (trong Khâm định Đại Thanh hội điển đồ) năm 1894 đều thể hiện cương giới phía Nam của Trung Quốc đến đảo Hải Nam. Ngay cả Quảng Đông đồ ấn hành năm 1866, là tập bản đồ thể hiện chi tiết về khu vực tỉnh Quảng Đông thì nó cũng chỉ hiển thị đất thuộc Quảng Đông bao gồm Hải Nam và các đảo ngoài khơi của tỉnh này, thậm chí còn không bao gồm cả Đông Sa.
"Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ" cho thấy cương giới
 phía nam của Trung Quốc chỉ tới đảo Hải Nam
            Cho đến Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ là một tấm bản đồ được đích thân các hoàng đế nhà Thanh từ Khang Hy cho đến Quang Tự huy động lực lượng giáo sĩ và những người tài giỏi về thiên văn, toán pháp thực hiện trên cơ sở tập hợp tư liệu từ các đời Tần, Hán và được tiến hành liên tục trong gần hai thế kỷ (1708-1904), do Nhà xuất bản Thượng Hải in năm 1904, rồi đến Đại Thanh đế quốc toàn đồ vẽ năm 1905 (nhà xuất bản bản đồ Tây An tái bản năm 1995 trong Trung Quốc cổ địa đồ trân tập), cương giới phía nam của Trung Quốc trên hai bản đồ này cũng chỉ tới đảo Hải Nam. Đến năm 1908 Trung Quốc toàn đồ và Quảng Đông địa đồ trong Trung Quốc cận thế dư địa đồ thuyết do La Nhữ Nam biên soạn; hoặc Nhị thập thế kỷ trung ngoại đại địa đồ cũng đều ghi rõ cương giới phía nam của Trung Quốc là cực nam của đảo Hải Nam và đều không có các đảo ở Nam Hải. Thậm chí, Hoàng Thanh nhất thống dư địa bản đồ do triều đình nhà Thanh ấn hành năm 1894 còn ghi rõ “lãnh thổ của Trung Quốc chỉ chạy đến đảo Hải Nam là hết”. Cho dù đến năm 1909 Lý Chuẩn đưa hai pháo hạm nhỏ đi về phía nam, có ghé thăm chớp nhoáng vài đảo trong quần đảo Paracel (tức quần đảo Hoàng Sa đang được người Pháp với tư cách đại diện cho Việt Nam về đối ngoại theo Hiệp ước Patenôtre quản lý) rồi về tự tuyên bố đã đến khảo sát quần đảo này, nhưng khá nhiều người vẽ bản đồ, nhất là những người không phải dân Quảng Đông vẫn không hề coi nó thuộc lãnh thổ của Trung Quốc. Chính vì vậy nên sau khi Trung Hoa dân quốc ra đời vào năm 1911, Trung quốc tân hưng đồ xuất bản năm 1915 và Trung quốc tân hưng đồ xuất bản năm 1917 cũng chỉ xác định cực nam Trung Quốc đến đảo Hải Nam mà thôi.
        Cả những tập Atlas của Trung Quốc như Atlas of the Chinese Empire - Trung Quốc địa đồ, xuất bản năm 1908 bằng tiếng Anh là tập atlas chính thức được phát hành với sự trợ giúp của Tổng cục Bưu chính của nhà Thanh và hai tập Atlas Postal de Chine do Tổng cục Bưu chính thuộc Bộ Giao thông của Trung Hoa dân quốc xuất bản tại Nam Kinh vào các năm 1919 và 1933, in bằng 3 thứ tiếng Trung, Anh, Pháp (tức là để phổ biến rộng rãi cho cả thế giới biết), gồm một bản đồ tổng thể vẽ toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc và bản đồ Trung Hoa dân quốc phân tỉnh tân đồ do Vũ Xương Á Tân địa học xã xuất bản năm 1933, thì cực nam Trung Quốc cũng chỉ dừng lại ở đảo Hải Nam.
Bạn trẻ tham quan khu trưng bày bản đồ khẳng định chủ quyền
Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa tại Đường Hoa Xuân
Bạch Đằng, Đà Nẵng. Ảnh: N.L  
Vậy thì vì sao các bản đồ cổ của Trung Quốc không hề bao gồm bất cứ một quần đảo nào ở biển “Nam Trung Hoa”? Câu trả lời chỉ là, vì nó phản ánh đúng thực tế lịch sử các triều đại phong kiến Trung Quốc chưa bao giờ có bất kỳ một hành động nào nhằm thể hiện quyền lực của mình đối với các quần đảo này, rằng chủ quyền thực sự của Trung Quốc chỉ đến cực nam của đảo Hải Nam mà thôi, và cũng vì trên thực tế, nhà nước phong kiến Việt Nam đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền trên hai quần đảo này một cách hòa bình liên tục và không vấp phải sự phản đối của bất kỳ một quốc gia nào...
 PGS - TS. Ngô Văn Minh
(còn nữa)

Chủ Nhật, 10 tháng 6, 2012

Làm vội để bạn bè xem

Hình ảnh Ngày Đoàn Tụ Hội An - 2012