Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2013

Giới thiệu nghiên cứu!

Thưa các bạn, trong bài viết đầu năm Quý Tị - 2013, chúng tôi xin vui mừng giới thiệu loạt bài "Những tấm bản đồ của Trung Quốc và Việt Nam nói gì về các đảo ở biển Đông" củ bạn Ngô Văn Minh (PGS - TS hiện công tác tại Học viện Chính trị Trung ương III - T/p Đà Nẵng). Bài được đăng nhiều kỳ trên báo Công an Thành phố Đà Nẵng. Ngày Đoàn Tụ xin phép được đăng lại để anh em trong gia đình C5A9 tiện theo dõi.

NHỮNG TẤM BẢN ĐỒ CỦA TRUNG QUỐC VÀ VIỆT NAM NÓI GÌ VỀ CÁC ĐẢO Ở BIỂN ĐÔNG?
Bài 1: Những tấm bản đồ cổ của Trung Quốc không hề có các đảo “Tây Sa” và “Nam Sa”

LỜI GIỚI THIỆU: Chúng ta đang chứng kiến những phát hiện ngày càng nhiều về bản đồ liên quan đến chủ quyền biển đảo – gồm những tấm bản đồ trải dài suốt nhiều thế kỷ, do người Việt Nam, người Trung Quốc và người phương Tây vẽ. Những phát hiện đó trở thành cứ liệu chắc chắn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa; đồng thời, nó phủ định mạnh mẽ những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo này. Hơn thế nữa, qua xem xét các tấm bản đồ chúng tôi có trong tay, ta có thể hình dung một cách hết sức rõ ràng sự ra đời của một trong những cụm từ gây bức xúc không chỉ đối với Việt Nam mà nhiều nước khác trong khu vực: “Đường lưỡi bò” hay còn gọi là “Đường chữ U”, “Đường 9 đoạn”... Từ số này, Báo Công an TP Đà Nẵng trân trọng giới thiệu loạt bài viết của PGS – TS Ngô Văn Minh, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh khu vực 3, như là cách thức công bố các tài liệu bản đồ khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa – Trường Sa, phủ định những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo này.

       Trung Quốc luôn tuyên bố có bằng chứng không thể chối cãi, rằng hơn 80% diện tích của Nam Hải (đời Tống người Trung Quốc gọi là Giao Chỉ dương – biển Giao Chỉ, về sau gọi là Nam Hải – biển phía nam Trung Quốc, còn người Việt Nam gọi là Biển Đông), trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mà họ tự gọi là “Tây Sa” và “Nam Sa”, từ lâu đã thuộc chủ quyền của họ. Thế nhưng, chỉ xét về nguồn tư liệu bản đồ thôi thì các tấm bản đồ cổ của Trung Quốc từ đời Tống (960-1279) cho đến đời Thanh (1616-1911), kể cả chính thức và không chính thức, không hề bao gồm bất kỳ một quần đảo nào ở biển Nam Trung Hoa cả. Chẳng hạn, các bản đồ khắc đá đời Tống như Vũ tích đồ, Hoa Di đồ (năm 1137), Địa lý đồ (năm 1247); hay Dư địa đồ của Chu Tư Bản đời Nguyên; thời Minh có Quảng dư đồ của La Hồng Tiên, Nguyên lộ, phủ, châu, huyện đồ trong Kim cổ dư địa đồ của Ngô Quốc Phụ (1638); đời Minh có Hoàng Minh đại thống nhất Tổng đồ trong Hoàng Minh chức phương địa đồ của Trần Tổ Thụ (1628-1634); đến đời Thanh có Thanh đại nhất thống địa đồ năm 1760 và Hoàng dư toàn lãm đồ (Hoàng Thanh nội phủ địa đồ) (1761), Hoàng dư toàn đồ (trong Khâm định Đại Thanh hội điển đồ) năm 1894 đều thể hiện cương giới phía Nam của Trung Quốc đến đảo Hải Nam. Ngay cả Quảng Đông đồ ấn hành năm 1866, là tập bản đồ thể hiện chi tiết về khu vực tỉnh Quảng Đông thì nó cũng chỉ hiển thị đất thuộc Quảng Đông bao gồm Hải Nam và các đảo ngoài khơi của tỉnh này, thậm chí còn không bao gồm cả Đông Sa.
"Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ" cho thấy cương giới
 phía nam của Trung Quốc chỉ tới đảo Hải Nam
            Cho đến Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ là một tấm bản đồ được đích thân các hoàng đế nhà Thanh từ Khang Hy cho đến Quang Tự huy động lực lượng giáo sĩ và những người tài giỏi về thiên văn, toán pháp thực hiện trên cơ sở tập hợp tư liệu từ các đời Tần, Hán và được tiến hành liên tục trong gần hai thế kỷ (1708-1904), do Nhà xuất bản Thượng Hải in năm 1904, rồi đến Đại Thanh đế quốc toàn đồ vẽ năm 1905 (nhà xuất bản bản đồ Tây An tái bản năm 1995 trong Trung Quốc cổ địa đồ trân tập), cương giới phía nam của Trung Quốc trên hai bản đồ này cũng chỉ tới đảo Hải Nam. Đến năm 1908 Trung Quốc toàn đồ và Quảng Đông địa đồ trong Trung Quốc cận thế dư địa đồ thuyết do La Nhữ Nam biên soạn; hoặc Nhị thập thế kỷ trung ngoại đại địa đồ cũng đều ghi rõ cương giới phía nam của Trung Quốc là cực nam của đảo Hải Nam và đều không có các đảo ở Nam Hải. Thậm chí, Hoàng Thanh nhất thống dư địa bản đồ do triều đình nhà Thanh ấn hành năm 1894 còn ghi rõ “lãnh thổ của Trung Quốc chỉ chạy đến đảo Hải Nam là hết”. Cho dù đến năm 1909 Lý Chuẩn đưa hai pháo hạm nhỏ đi về phía nam, có ghé thăm chớp nhoáng vài đảo trong quần đảo Paracel (tức quần đảo Hoàng Sa đang được người Pháp với tư cách đại diện cho Việt Nam về đối ngoại theo Hiệp ước Patenôtre quản lý) rồi về tự tuyên bố đã đến khảo sát quần đảo này, nhưng khá nhiều người vẽ bản đồ, nhất là những người không phải dân Quảng Đông vẫn không hề coi nó thuộc lãnh thổ của Trung Quốc. Chính vì vậy nên sau khi Trung Hoa dân quốc ra đời vào năm 1911, Trung quốc tân hưng đồ xuất bản năm 1915 và Trung quốc tân hưng đồ xuất bản năm 1917 cũng chỉ xác định cực nam Trung Quốc đến đảo Hải Nam mà thôi.
        Cả những tập Atlas của Trung Quốc như Atlas of the Chinese Empire - Trung Quốc địa đồ, xuất bản năm 1908 bằng tiếng Anh là tập atlas chính thức được phát hành với sự trợ giúp của Tổng cục Bưu chính của nhà Thanh và hai tập Atlas Postal de Chine do Tổng cục Bưu chính thuộc Bộ Giao thông của Trung Hoa dân quốc xuất bản tại Nam Kinh vào các năm 1919 và 1933, in bằng 3 thứ tiếng Trung, Anh, Pháp (tức là để phổ biến rộng rãi cho cả thế giới biết), gồm một bản đồ tổng thể vẽ toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc và bản đồ Trung Hoa dân quốc phân tỉnh tân đồ do Vũ Xương Á Tân địa học xã xuất bản năm 1933, thì cực nam Trung Quốc cũng chỉ dừng lại ở đảo Hải Nam.
Bạn trẻ tham quan khu trưng bày bản đồ khẳng định chủ quyền
Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa tại Đường Hoa Xuân
Bạch Đằng, Đà Nẵng. Ảnh: N.L  
Vậy thì vì sao các bản đồ cổ của Trung Quốc không hề bao gồm bất cứ một quần đảo nào ở biển “Nam Trung Hoa”? Câu trả lời chỉ là, vì nó phản ánh đúng thực tế lịch sử các triều đại phong kiến Trung Quốc chưa bao giờ có bất kỳ một hành động nào nhằm thể hiện quyền lực của mình đối với các quần đảo này, rằng chủ quyền thực sự của Trung Quốc chỉ đến cực nam của đảo Hải Nam mà thôi, và cũng vì trên thực tế, nhà nước phong kiến Việt Nam đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền trên hai quần đảo này một cách hòa bình liên tục và không vấp phải sự phản đối của bất kỳ một quốc gia nào...
 PGS - TS. Ngô Văn Minh
(còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét