Thứ Ba, 28 tháng 9, 2010

Thưa các bạn, trong chuyến công tác tại tỉnh Quảng Ngãi, bạn Ngô Văn Minh đã may mắn được gặp thầy giáo - Tiến sĩ Mai Bá Ấn - Người thầy đã có lần về thực tập giảng dạy tại trường Trung học Sư phạm Quảng Nam - Đà Nẵng vào năm 1983, đã giảng dạy khóa C5 của chúng ta. Điều rất xúc động là thầy đã nhận ra ngay học trò cũ của mình và còn nhớ rất nhiều những kỹ niệm về những ngày giảng dạy ngắn ngũi tại Quảng Nam - Đà Nẵng.
Thầy Mai Bá Ấn hiện hiện đang công tác và giảng dạy tại trường Cao đẳng Tài chính - Kế toán Quảng Ngãi, thầy viết văn, làm thơ khá nhiều. Trong dịp này, được sự cho phép của thầy chúng tôi xin giới thiệu truyện ngắn "Phía sau nước mắt". Xin mời các bạn đón đọc.

PHÍA SAU NƯỚC MẮT
Truyện ngắn MAI BÁ ẤN

Chuyến xe Sài Gòn đưa chị về trong đêm mưa. Một sự vô tình hay chị chỉ muốn về trong đêm để đừng ai nhìn thấy ? Nước mắt chị đến bây giờ được tự do tuôn đẫm trên đôi gò má. Nước mắt hay nước mưa? Không, cái vị mằn mặn thấm xuống tận bờ môi, thấm trở vào lòng (nơi nó tuôn ra) chị biết là mình đang khóc. Bước lên xe, giữa đám đông hành khách với nỗi vất vả của đoạn đường hàng trăm cây số đã ngăn trở dòng nước mắt kia, giờ đây, ngồi xuống bờ cỏ quê nhà, chị trùm chiếc áo mưa, và rồi với bao vật vã lòng mình, tiếng khóc đã oà vỡ ra thành tiếng. Tiếng khóc của một người đàn bà trong một đêm khuya mưa gió tan biến trong tiếng ếch nhái tỉ tê. Vài tiếng ểnh ương trong rặng tre làng kêu lên nhặt nhặt thưa thưa như những tiếng Bat trong một bản nhạc hỗn tạp của một làng quê trong một đêm sắp sáng. Những rặng tre sau khi hăng hái với những cơn gió đón mưa ban chiều, giờ đã bơ phờ, mệt nhọc khe khẻ lắc lư. Chị nhẹ nhàng như vụng trộm bước xuống con đường nhỏ dẫn vào nhà. Nỗi nhớ con, thương chồng đốt cháy lòng chị đã trao cho chị thứ vũ khí vô hình thừa sức mạnh để chị trở về, giờ đang nguội dần, đưa chị về bên bờ một tâm trạng phức tạp đến bẽ bàng. Từ trong lòng chị, một khối u băng giá vì nỗi lo sợ của tội lỗi bắt đầu tan ra, choáng lấy, lan toả. Chị dừng lại... phân vân... Nhưng như một cơn sốt rét ác tính, có một ngọn lửa đang đốt trái tim của chị cháy bùng cả ruột gan. Bởi con đường nhỏ này, hai đứa con chị vẫn thường đón chị về. Và những đêm lỡ hàng về khuya, chị vẫn thường nghe tiếng hát của người chồng buồn buồn như chờ đợi từ ngôi nhà kia vẳng lại. Chị vùng chạy như một người điên lao thẳng vào ngõ nhà. Nhưng rồi băng giá của nỗi lo sợ lại làm chị chựng lại. Chị gục đầu vào gốc duối trước sân. Cây duối lâu năm, thân gồ ghề là nơi chị thường thắp hương, cắm hoa vào những ngày rằm, mồng một.
- Cầu Trời, Phật, hãy tha tội cho con !
Chị khấn thầm bằng tiếng nói chân thành nhất của lòng mình. Bởi chị biết, ngoài những đấng từ bi cao xa kia, hai bên gia đình mà chị vẫn rất thương yêu kính trọng, đang ngày đêm nguyền rủa chị. Người chồng tàn phế và hai đứa con đã đến tuổi hiểu biết đang nằm trong ngôi nhà kia cũng đang nguyền rủa chị…

Trong nhà, ngọn đèn dầu trên bàn được vặn lu, toả ánh sáng yếu ớt. Chị rón rén bước vào mái hiên nhìn qua khe cửa. Chiếc giường bên kia, con bé Ái đang ngủ bên ba, chiếc phản bên này, gần khe cửa chị đang đứng, thằng Nhân nằm một mình. Chúng đang ngủ thật bình yên, thật vô tư. Giờ phút này, chị thèm sao được phá cửa tông vào nhà ôm ghì con vào lòng cho thoả nỗi nhớ mong, ân hận đã gần bốn tháng trời nay. Nước mắt chị lại tuôn đầm xuống má. Những giọt nước mắt của tận cùng nỗi đau khổ làm tê đắng cả đôi môi băng giá. Hình như bị lạnh, thằng Nhân bỗng nhiên quậy cựa. Nó giẫy đạp thật nhiều, rôì bỗng reo lên:
- Ba ơi ! Má về ! Má về kìa !
Chị hoảng hốt lùi ra phía chái nhà, ngồi thụp xuống bờ mía um tùm. Chiếc áo mưa tuột khỏi vai chị. Chị lết dần về phía gốc duối và tựa lưng vào đó. Mặc mưa, mặc gió, chị cứ ngồi thu lu, co mình bất động. Qua khe cửa, chị nhìn thầy chồng đang đến bên thằng Nhân. Thằng bé nằm mơ được ba bế sang ngủ chung. Một người chồng mù đang bế đứa con giữa đêm khuya tĩnh mịch, lặng lẽ chẳng ai hay biết trên đời. Còn mẹ nó thì như một mụ ăn trộm đang giấu mình trong mưa lạnh.
Bi kịch của những số phận trong ngôi nhà nép dưới rặng tre này gào lên cùng ai nghe thấu ? Giận ai ? Thương ai ? Và nguyền rủa ai đây ?

"Ba anh nhắn về là khuya nay anh phải đi. Không còn chần chừ được nữa rồi. Lệnh quân dịch của bọn chúng đang vây bủa. Thôi thì... em ở lại. Anh phải đi thôi".
Đó là lời chia tay cái đêm cuối cùng sau ngày mẹ anh đi bỏ miếng trầu nói vợ cho anh. Đây là cuối năm 1972. Ba anh - một cán bộ tập kết đang trở về hoạt động ngay trên chính quê hương mình.
"Thôi thì... anh đi. Em sẽ đợi. Anh cố gắng giữ gìn sức khoẻ. Còn mẹ và em Khiêm thì em sẽ năng đi lại để mẹ yên tâm".
"Ba anh nói là ngày thắng lợi đã gần kề. Chẳng bao lâu nữa anh sẽ về thôi".
Khuya hôm đó, họ chia tay nhau. Anh em du kích bí mật đưa anh về rừng. Chị đứng dưới rặng tre làng nhìn theo. Nhìn mãi đến lúc không còn thấy gì nữa ngoài những rặng tre, đồng lúa. Nước mắt ướt đầm đôi má tuổi mười tám của thì con gái. Chị lặng lẽ quay về âm thầm với lòng tin tưởng vào tình yêu và con đường anh đã chọn.
Gần một năm sau, chị nhận được thư anh chuyển đến bí mật từ một người lạ mặt. Chị run run mở thư. Trang giấy ố vàng qua tay anh em du kích chỉ vẻn vẹn mấy dòng:
"Duyên thương yêu !
Vậy là, anh đã bị thương - cái quy luật tất yếu của chiến tranh. Vết thương khá nặng ảnh hưởng đến đôi mắt của anh. Hôm nay đã tháo băng, anh vẫn còn nhìn được. Song có lẽ sẽ ảnh hưởng đến mai sau… Nhận thư này, mong em đừng buồn. Anh vẫn yêu em như ngày nào. Song chính vì yêu em nên anh mong em hãy vì hạnh phúc của đời mình mà quên anh đi để chọn cho mình một con đường khác. Anh sẽ chẳng bao giờ hờn trách em đâu. Anh đã viết thư về cho má anh rồi. Hãy vượt lên nỗi đau tạm thời mà vươn tới hạnh phúc lâu dài Duyên nhé !"
Đọc thư anh, chị vừa giận vừa thương. Ước gì mình có mặt bên anh trong những ngày này để an ủi, săn sóc. Con người thường rất dễ bi quan, mặc cảm trong hoàn cảnh này, chị biết. Chính vì vậy mà sau khi nhận thư, chị đã tức tốc bươn đến nhà để gặp mẹ anh. Bà mẹ rất hiểu lòng đứa con dâu son trẻ sớm phải xa chồng này, nên đêm hôm âý, trong ngôi nhà thầm lặng, hai người đàn bà ôm nhau khóc đến nửa khuya.
- Dù sao chăng nữa, ảnh vẫn là chồng con. Con chấp nhận hết và con phải có trách nhiệm của một người vợ. Con phải lên với ảnh thôi. Mẹ ở nhà cố gắng lo cho em Khiêm ăn học. Tiếng nói của chị mềm ra cùng nước mắt.
Sau khi bàn bạc và được gia đình cha mẹ đẻ đồng ý, chị đã ra đi. Theo hướng núi mà đi. Cũng vào một đêm có mưa để dễ che mắt địch. Núi rừng đón chị trong cái thâm u tĩnh mịch vốn có của nó. Và chị đã gặp anh, gặp người cha chồng đáng kính mà chị hằng nghe ba mình nhắc mãi tên mà chưa lần gặp mặt. Anh ngậm ngùi đón chị trong niềm vui thầm lặng mặc dù anh đã tự hứa với lòng mình đừng nên làm khổ chị. Song cái gì đã đến là đến. Lí trí chẳng là gì cả trong hoàn cảnh này. Lí trí sáng suốt lúc này sẽ trở thành kẻ thù của con tim thuỷ chung của người vợ trẻ. Đừng phán quyết mà hãy tin vào lý lẽ của tình yêu. Cuối năm ấy, họ cưới nhau. Cái đám cưới giữa rừng xanh trong tiếng gào của đạn bom thay cho những tràng pháo nổ. Chị đã đem cái hạnh phúc ngọt ngào riêng đến cho anh, và vô tình đem đến với cả núi rừng, lan toả trong lòng những đồng đội của anh.
1975. Họ trở về quê. Người lính già về hưu kia đã rưng rưng đưa người vợ và thằng con út về ở một mái tranh che tạm trên sào đất hợp tác xã cấp cho. Ông đã ưu ái dành cho đôi vợ chồng người con trai thương binh ngôi nhà ba gian ông bà để lại.
- Dù gì thì gì tao và mẹ mày cũng còn sức. Thằng Khiêm cũng đã lớn. Vợ chồng bay cố gắng đùm bọc nuôi con.
Lúc ấy, anh chị đã có một đứa con trai ra đời ngay trên chiến khu. Vết thương vẫn luôn là nỗi ám ảnh đau đớn khi anh nghĩ đến cảnh sống mù loà. Chính vì vậy mà cuối cái năm đầu tiên sau hoà bình ấy, anh chị đã có thêm một cháu gái. Vốn là một giáo viên bình dân từ thời còn ở với anh trên núi, chị trở thành giáo viên cấp một ở ngôi trường làng. Mấy năm sau, mắt anh đã kém hẳn. Đã có những đám mây mù kéo ngang qua mắt mỗi sáng mỗi trưa. Đồng lương thương binh của anh và cái nghề dạy học cấp 1 của chị đang đứng trước một thử thách khắc nghiệt. Anh tức tốc ra bệnh viện Đà Nẵng chữa trị. Tình cờ anh gặp lại Vinh - người bạn thân học cùng lớp phổ thông dưới chế độ cũ. Anh ngỡ ngàng đến kinh ngạc: Đỗ Vinh - bác sĩ, sĩ quan nguỵ, vì sao hôm nay vẫn còn làm việc ở đây ? Bạn cũ gặp lại nhau, vừa mừng vừa ngờ ngợ. Những kỉ niệm tuổi học trò ngày xưa không còn đủ sức mạnh để lấp cái khoảng trống vô hình giữa hai người bạn ấy. Thế nhưng, gặp bạn trong hoàn cảnh này khiến anh thấy đời mình vẫn còn may mắn. Vinh vốn là một bác sĩ chuyên khoa mắt có tiếng. Có lẽ chính điều này đã giúp Vinh còn được lưu dung làm việc ở đây chăng?
Vinh đã khám mắt cho anh và mời anh chiều đến nhà riêng để nói chuyện thêm. Và anh thì cũng muốn gặp lại vợ Vinh vốn là cô em gái bà con xa trong họ. Chiều ấy, anh lại phải đối mặt cùng một thực tế phũ phàng khi nghe những lời khuyên bảo khá chân thành của vợ chồng Vinh:
- Như vậy là mắt Bình đã đến giai đoạn cuối cùng. Phương tiện và điều kiện hiện nay với hoàn cảnh kinh tế của Bình không thể đem lại chút hi vọng nào đâu. Là chỗ anh em thân tình, mình mới nói điều này, mong Bình hiểu cho. Bình hãy can đảm gạt bỏ mọi thiên kiến về chế độ chính trị để cứu lấy mình.
- ? ? ?
- Vợ chồng mình được bảo lãnh sang Mỹ. Giờ thì tốt nhất là Bình nên về sắp xếp. Bằng mọi cách, Bình phải đi. Không phải là theo mình mà sang một nước láng giềng, tốt nhất là Thái Lan. Chỉ cần như vậy, mình sẽ đưa được Bình sang bên ấy để chữa trị. Bằng tình bạn cũ và nhân danh một bác sĩ chuyên khoa, mình nói với Bình là: chỉ còn cách ấy mới đủ sức giành lại ánh sáng cho đôi mắt.
Bình nhắm nghiền mắt lại để nghe kĩ từng lời của Đỗ Vinh. Những lời lẽ chân tình của Vinh làm anh choáng váng. Chẳng lẽ đây là những ngày cuối cùng mình được nhìn thấy ánh sáng thôi sao ! Cái khoảng sáng nhợt nhạt này đã báo hiệu một khả năng quá mong manh để anh hi vọng ! Thật ra, khi nghe kết quả cuối cùng về đôi mắt, sự choáng váng của anh vẫn còn chịu đựng được, vì dù sao, bằng linh cảm, anh đã biết chắc ngày này sẽ đến. Cái khiến anh choáng váng hơn, đặt anh trước sự nghiệt ngã mà bằng máu xương của chính cuộc đời anh đánh đổi, đó là bốn chữ "chế độ chính trị" mà Đỗ Vinh vừa nói. Hãy tự cứu lấy mình ! Chẳng lẽ không còn ai nữa hết sao ? Cái tâm trạng bi quan của bệnh tật hoà lẫn với một trạng thái tâm hồn khá phức tạp khiến anh muốn bật khóc hoặc gào to lên một tiếng. Có cái gì đang chẹn giữa lồng ngực mình mà anh nghe đau nhói.
Anh lặng lẽ ra về sau khi đã hứa với vợ chồng Vinh sẽ chẳng tiết lộ điều này cho ai. Điều đó anh hứa chắc. Còn vấn đề sắp xếp để ra đi theo lời khuyên của vợ chồng Vinh, anh có hứa mà cơ hồ như là ai đang hứa. Cái con người mù loà, bệnh tật đang hứa với một bác sĩ điều trị mình hay là người thương binh cách mạng đang hứa với một người đã từng ở chiến tuyến bên kia (mặc dù là bạn) đó ? Anh không quên cảm ơn nhiệt tâm của vợ chồng người bạn cũ và lủi thủi ra về. Nắng chiều chiếu thẳng vào đôi mắt nhức nhối của anh trên con đường trở về bệnh viện. Những tia nắng cuối cùng tiễn một ngày đi...
Đỗ Vinh đã lo sắp xếp để anh trở về quê. Chị chờ anh trong nỗi lo lắng tơi bời. Anh hoàn toàn im lặng như một người câm. Mù loà, câm điếc, những căn bệnh bất hạnh này thường lại sóng đôi nhau tấn công vào hạnh phúc mỗi con người. Đôi mắt đã ném anh vào nỗi mặc cảm tuyệt vọng, câu chuyện Đỗ Vinh lại xô anh vào sự câm lặng tuyệt đối. Đêm hôm ấy, vợ chồng không ai nói với nhau một lời nào. Chờ cho con ngủ say, hai vợ chồng mới ngồi đối diện với ngọn đèn khuya, âm thầm khóc. Qua nước mắt, chị hiểu được rằng: đôi mắt của chồng đã hết phương cứu chữa. Và qua nước mắt, anh cũng hiểu rằng: không thể nào ra đi như lời Vinh khuyên nhủ. Anh đành nuốt vào lòng cái chuyện ra đi để riêng mình hằng đêm xót xa, cay đắng. Những ngày ấy, tâm lý căng thẳng đã dồn anh vào một kết quả hiển nhiên: Anh thật sự trở thành kẻ mù loà.
Vì quá thương chồng, những ngày đầu tiên, chị xin phép nghỉ dạy để được quấn quýt bên anh, an ủi anh, kể cho anh nghe mọi chuyện để làm vui. Chị là đôi mắt của anh trong hiện tại. Qua chị, anh được gần gũi hơn với cuộc sống bình thường.
Thế nhưng rồi... Trên đời, mọi cái rồi sẽ dần quen. Anh quen với bóng tối cũng như người bình thường quen cùng ánh sáng. Những ngày thầm lặng ấy, anh được tin vợ chồng Đỗ Vinh đã ra đi. Chuyện họ ra đi cũng bình thường thôi vì vợ Vinh đã hơn một lần về quê dọ hỏi ý anh, nhưng anh đã khoát tay chối từ bằng im lặng. Thôi thì... mỗi người có một con đường để chọn mà đi. Âu cũng là số phận. Bóng đêm, cuộc mưu sinh hiện tại đang rối bời trong anh qua hàng đêm suy nghĩ. Nhưng rồi, ngày tháng dần qua, anh dần dần lấy lại được sự quân bình trong cuộc sống tối tăm. Anh tập làm quen trong bóng tối để phụ giúp vợ con những việc vặt trong nhà. Khoảng vài tháng sau, anh đã thuộc lòng từng bước đi, từng động tác cho công việc heo gà, bếp núc. Những đêm rảnh rổi anh thường kể cho hai con nghe những câu chuyện vui để làm an lòng vợ, và để những suy nghĩ đen tối về số phận người cha không đè nặng lên khối óc và tâm hồn thơ ngây của trẻ nhỏ.
Nói chung, những năm tháng ấy, họ sống thật bình yên...
Những năm sau đó, đời sống kinh tế ngày càng khó khăn. Những đồng tiền lương đã bắt đầu báo hiệu một sự thiếu hụt ghê gớm đối với nhu cầu của cái ăn, cái mặc, các chi phí học hành của các con. Đành lòng, chị bỏ nghề dạy học để trở về chạy vạy kinh tế nuôi chồng, nuôi con. Khi nghe vợ rụt rè nói ý định bỏ nghề, anh chỉ biết im lặng mặc dù từ trong sâu thẳm lòng mình, anh nghe có điều gì đó không phải lắm đối với mẹ cha, với anh em, bè bạn. Nhưng biết làm sao đây hỡi những người thân, bè bạn và những người đồng chí thân tình.
- Hãy thông cảm cho tôi ! Những đồng đội thân yêu...
Anh chỉ biết niệm thầm như thế. Và thời gian cứ thế trôi đi... Chị thành trụ cột của gia đình, lo toan tất cả. Những chuyến đi buôn rõ ràng đã mang về cho gia đình những đồng chi tiêu khấm khá. Và không biết có tự dối lòng mình hay không, là: anh rất an tâm trước đời sống gia đình, và thầm vui khi biết vợ mình gặp thuận lợi trên con đường buôn bán.
Mãi cho đến cách cái đêm mưa chỉ trở về này tròn bốn tháng...

Anh không còn nhìn thấy được vợ anh trong khi anh là một người chồng. Sở dĩ người mù thường bị thiệt thòi trong tình cảm là vì họ đã mất đi cái công cụ thể hiện nó, cho dù đôi mắt không là toàn bộ con người. Một người đàn bà khi yêu thường thích được người mình yêu nhìn mình ở nhiều góc độ. Một đôi guốc mới, một kiểu tóc mới, một màu áo mới... Phụ nữ mà ! Họ là những cánh hoa đẹp giữa đời. Mà Duyên cũng là một phụ nữ bình thường thôi, lại là một người phụ nữ chịu nhiều bất hạnh. Hai đứa con đối với một người phụ nữ ngoài tuổi ba mươi cũng chưa có gì là lấn bấn lắm khi mà con đường buôn bán đã đẩy lùi cái thời của đồng lương một giáo viên trôi tuột vào quá khứ mà đôi lúc nghĩ lại cứ như chuyện hoang đường.
Người mù thường có đôi tai thính. Anh cũng không ít lần nghe hàng xóm xì xào:
- Vợ mày từ ngày bỏ dạy đi buôn đến nay trông trẻ ra và đẹp hẳn
- Cha ! Chị Duyên hôm nay cắt tóc ngắn rồi. Cứ như cô gái đôi mươi
- Phấn son đúng là một công cụ cần thiết của sắc đẹp đàn bà. Cứ nhìn cô Duyên thì biết..
Anh hiểu, trong tình yêu, người ta thường làm đẹp vì người mình yêu thì lẽ gì trong tình vợ chồng không diễn ra quy luật ấy !Vậy mà Bình có thấy gì đâu ? Chỉ là màu đen ! Và Bình chỉ còn nhìn thấy vợ sau cái bức màn đen đầy tưởng tượng về một hình bóng Duyên sắc son trong quá khứ. Còn Duyên, trước mặt chồng, đẹp xấu ra sao, khác xưa thế nào, chồng không hề biết. Ai trên đời này lại không muốn mình đẹp ra hoặc là cố gắng làm cho mình đẹp ra và trẻ lại, nhất là phụ nữ đã có chồng ! Duyên cũng vậy thôi ! Bạn cứ thử nghĩ xem: bỗng một buổi chỉều, sau chuyến hàng về, bước xuống xe, một cậu thanh niên không biết đó là cô Duyên hai con vợ của chú Bình mù, nghịch ngợm buông những lời tán tỉnh. Chắc Duyên của Bình lúc ấy sẽ mĩm cười, một nụ cười thật tươi trên làn môi đỏ. Đôi má chắc bỗng hồng lên nửa vì e thẹn nửa vì vui mừng, vì như vậy là mình còn trẻ lắm. Dáng đi của người phụ nữ hai con kia sẽ uyển chuyển hơn một chút, duyên dáng hơn chút nữa. Và người con gái trong Duyên trổi dậy. Duyên sẽ cảm thấy nôn nao và dù có muốn giấu kín vì e ngại thì tự đáy lòng cũng rộn rã một niềm vui.
Biết trách ai đây các bạn ! Nhưng giá mà đừng sinh ra những đứa con. Giá mà đừng có cái đám cưới rộn rã giữa rừng những năm gian khổ ấy. Nghĩa là, giá như Duyên không phải là cô vợ tốt để đừng bao giờ đến với Bình trong những ngày tháng ấy thì cái hậu quả này ít nặng nề hơn. Trên vai Bình bây giờ còn có hai đứa con đang tuổi học hành. Người đui làm sao dắt chúng vào đời trong lứa tuổi này đây ? Duyên đã tạo ra hai cuộc đời để rồi tự cô dứt bỏ đi để tái tạo riêng cho cô một cuộc đời mới. Anh mù loà, biết làm sao dắt được con mình suông sẻ vào đời và hạnh phúc như mình từng mơ ước đây Duyên ?...
- Anh nghĩ là việc bán buôn của em dễ dàng lắm sao ? Không ! Không bao giờ ! Mọi công việc để làm ra đồng tiền bây giờ không hề đơn giản, ngoại trừ ta tạm yên tâm với đồng lương nhà nước. Đồng tiền của quy luật bán mua không sòng phẳng như đồng lương, mà phải đánh đổi nó bằng mồ hôi nước mắt, bằng sức lao động cật lực của chính mình.
Duyên đã nói với Bình bằng nước mắt khi Bình nghe bạn buôn đồn rằng Duyên đã đi lại với một người đàn ông khác trẻ hơn Duyên đâu năm, sáu tuổi.
Khi nghe tin này, Bình bàng hoàng đến sững sờ ngỡ như đó không bao giờ là sự thật. Từ hai quầng mắt vốn lạnh lùng, tối đặc của anh bỗng toé ra những vầng lửa đỏ...
... Đêm hôm đó, nhận lệnh của ba - lúc đó ông là chính trị viên tiểu đoàn, đại đội Bình phải tấn công diệt cái chốt địch trên đỉnh một ngọn đồi. Bình hãnh diện bắt tay ba và cùng anh em vào trận. Trận đánh diễn ra nhanh gọn, kẻ địch không kịp trở tay. Đơn vị Bình đã chiếm ngọn đồi. Bỗng từ một ổ đề kháng cuối cùng còn sót lại, bọn địch nổ súng. Bình vừa thét đồng đội nằm xuống... Bỗng một quả M79 rơi trúng mô đất Bình nằm. Tiếng nổ. Và Bình thấy trước mắt mình toé ra những quầng lửa đỏ. Rồi những quầng lửa đó xoay tròn. Bình lịm đi trong vòng tay đồng đội. Cho đến lúc tỉnh ra, nghe tin ta đã diệt xong bọn địch, làm chủ ngọn đồi, Bình thấy lòng mình bình yên đến lạ. Cái bình yên của đồi núi sau trận đánh. Cái bình thản đến lạ lùng của người chiến thắng...
Còn bây giờ, khi nghe tin về Duyên, những quầng lửa trước mắt Bình làm nhức nhối cả con tim nhưng không đến nỗi làm Bình ngất lịm. Bình đã có trong tay thứ vũ khí cứng rắn là nghị lực và sự chịu đựng của ngày tháng mù loà. Và thật ra, nếu Bình lịm đi khi nghe tin này, Bình cũng sẽ chẳng còn được nằm trong vòng tay đồng đội. Sau chiến tranh, ngoài hai đúa con, Bình chỉ có Duyên làm chỗ tựa. Duyên là đôi mắt của Bình. Cái con mắt tình yêu ấy giờ đây cũng không còn nhìn thấy gì được nữa. Con mắt ấy đã bỏ Bình đi rồi. Cuộc chiến bại này, Bình hoàn toàn bị tước gọn vũ khí.
- Anh nghe chung quanh người ta xì xào về em. Lúc đầu thực sự anh không thể tin, nhưng bây giờ thì...
- Tại sao anh lại đi nghe những lời đồn đại ?
- Tại vì... Duyên ạ ! Mắt anh không còn nhìn thấy gì nữa hết. Ngày xưa thuở mình yêu nhau, anh có thể biết được những điều em dối anh khi anh nhìn vào đôi mắt của em. Còn bây giờ thì... hình như chỉ có màu đen, và chính cái màu đen kia đã mách bảo anh rằng: em dối anh. Thôi ! Em hãy trở về. Đến hôm nay sao bỗng dưng anh thèm quá những ngày em còn làm một cô giáo nghèo. Nghèo mà chân thật, chứa chan tình cảm tạo cho anh niềm vui sống ở đời. Thôi! Em hãy nghỉ buôn, trở về với anh và các con đi em.
- Nhưng còn cuộc sống của mình ? Tương lai các con ?
- Anh chịu đựng được. Anh là một người mù, anh chịu đựng được tất cả thiếu thốn của đời sống vật chất. Còn về tinh thần ! Mắt anh không còn nhìn được hoa, ngắm được trăng, không xem được một đêm phim nào hết. Anh cũng chẳng đọc được một trang sách ngắn nào ngoài những gì em đã kể anh nghe. Đối với anh, hạnh phúc của tình vợ chồng là trên hết. Vì nó, vì hai đứa con, anh sẽ chịu đựng tất cả.
- Nhưng nợ nần, vốn liếng chung chạ, chẳng lẽ bỏ hết sao anh ?
- Em ráng bỏ ra ít ngày đi gom lại. Còn bao nhiêu đó em đem về...
Duyên đã đồng ý, Bình cho phép Duyên ba ngày để sắp xếp, nhưng Duyên đã xin được đi năm ngày.
Và trong năm ngày đêm ấy, Duyên đã sống trong một tâm trạng bất bình thường. Bình biết, nhưng anh cứ nghĩ Duyên đang tính toán để rút về những đồng tiền chung chạ bán buôn. Bình đinh ninh rằng trong năm ngày đêm ấy, Bình sẽ kéo được Duyên trở về. Song kết quả thật bất ngờ: Bình đã thật sự mất Duyên.
Đêm cuối cùng, gà gáy, Duyên đã dậy nấu cơm để lại cho cha con Bình. Xong đâu đó Duyên đến bên giường nói nhỏ:
- Chỉ còn một khoản nợ nhỏ nữa, hôm nay em đi lấy nốt. Anh nhớ nhắc con ăn sáng.
Hai đứa con vẫn ngủ rất vô tư. Duyên còn quay vào nhà nhiều lần nữa. Duyên hôn con thật nhiều. Duyên đã hành động như vậy trước mặt người chồng mù trước lúc ra đi. Chỉ để lại cho cha con Bình ba gian nhà trống trải, Duyên mang theo toàn bộ vốn liếng của gia đình.
Hai bên gia đình cha mẹ và hàng xóm chung quanh còn sững sờ hơn cả chính Bình. Đột nhiên, Bình trở thành một nạn nhân đáng thương nổi tiếng khắp cả làng.
Đêm hôm sau, Bình cùng hai đứa con mới lủi thủi lục chiếc tủ bàn thờ tìm lại tấm thẻ thương binh...
Vâng ! Cái đêm ấy, trong bốn ngày đêm ấy, trong gần nửa năm ấy, Duyên đã dối chồng. Còn với con ? Thật ra Duyên vẫn thương yêu chúng, nhất là từ sau ngày Bình đã mù. Duyên những tưởng sẽ kéo dài mãi được sự dối trá trước đôi mắt mù loà của chồng. Thật ra, lúc đầu, Duyên cứ nghĩ giản đơn là mình chỉ quan hệ vờ vịt để thuận lợi cho công việc làm ăn thôi. Những bạn buôn như Duyên đều có chung ý nghĩ như thế. Để đến bây giờ, Duyên mới hiểu rằng: thật ra, đó chỉ là những lời tự biện minh một cách giả tạo cho những hành động sai lầm.
Chàng xe thồ trẻ tuổi cứ y như là đoán biết trước những chuyến hàng Duyên đến. Sự đón đưa trên mối quan hệ giữa một khách hàng và một người đạp xe thồ đã phần nào che mắt được nhiều người. Kế đó là những lần anh ta không lấy tiền công. Kế đó là những hành động quan tâm khá đặc biệt. Và cứ như thế họ gần gũi nhau. Cho đến một hôm, khi biết có thuế vụ kiểm tra đột xuất, anh ta đã bươn bả đạp xe ra ngoại ô để chặn xe lại và đưa hết hàng của Duyên xuống. Chuyến ấy, tất cả hàng trên xe đều bị tịch thu. Anh ta đã ghi một bàn thắng vàng ngay vào trái tim Duyên. Rồi sau những chuyến hàng đêm, họ đã có thì giờ bên nhau, ngồi với nhau trong một quán ăn. Duyên ngày càng cảm thương, thông cảm với những éo le của cuộc đời riêng của anh ta. Anh mồ côi cha mẹ, hiện đã có một vợ và một đứa con. Song vì phải sống lệ thuộc gia đình vợ, anh đâm chán ngán. Đã bao lần chợt nghĩ về chồng, về con, về đứa con của anh ta, Duyên đã tự hứa với lòng mình là không được bước đi quá trớn. Vậy mà rồi... sự quan tâm, lo lắng, đeo đuổi của anh cùng với sự tương đồng về nỗi bất hạnh trong tình vợ chồng của hai người đã trở thành sợi dây vô hình ràng buộc họ. Mỗi lần về khuya, nghe chồng hát cho con nghe cái điệu nhạc boléro buồn buồn quen thuộc khiến Duyên vững tin rằng mình không thể nào như thế được. Song rồi... những chuyến hàng vào thành phố, cứ khi gần đến bến xe, nơm nớp trong nỗi lo sợ công an, thuế vụ kiểm tra là Duyên lại nghĩ ngay đến anh ta. Khi thấy dáng anh xuất hiện, Duyên cảm thấy vui hơn và rất an lòng. Và cay nghiệt thay, lúc đó, Duyên chợt nghĩ: giá như Bình không mù loà để trở thành chỗ tựa của mình như vậy thì hạnh phúc biết chừng nào ! Hoàn cảnh đã ném Duyên vào một thế đứng khá éo le. Cứ như Duyên đang đứng trước một trạm kiểm tra hàng. Dừng lại để chịu mất hàng sẽ lùi về gần với chồng con. Bằng như tiến đến để cứu vốn cứu lời, kiếm miếng ăn cho cả gia đình thì càng xích lại gần anh xe thồ quen thuộc. Chỉ có cách từ bỏ con đường buôn bán. Song trong hoàn cảnh của gia đình Duyên thật khó lòng để ai đủ can đảm từ bỏ. Cứ như vậy, những chuyến hàng vào thành phố ngày càng bị kiểm tra gắt gao thì lại càng kéo Duyên về gần với chàng xe thồ trẻ tuổi. Và rồi, những đêm ở lại thành phố của Duyên ngày càng nhiều hơn. Cuối cùng, mối quan hệ của một người đàn ông đã có vợ và một người phụ nữ đã có chồng trong những đêm tối xa nhà đã dẫn đến kết cục tất yếu... Cả hai tuy không nói ra, nhưng ai cũng đều tìm thấy sự cuốn hút tuyệt cùng mới mẻ của hai thể xác. Đã đến lúc Duyên biết là mình không còn đủ sức để gỡ ra. Duyên biết tội mình lớn đến ngoài sức tưởng tượng. Thế mà rồi vẫn không sao khác được. Thời còn là một cô giáo, trong những cuộc họp giáo viên, Duyên đã từng đập bàn ngang nhiên phê phán bất kỳ một hành vi không lành mạnh nào trong mối quan hệ nam nữ. Vậy mà... chỉ mới gần một năm bỏ nghề Duyên lại khác chính Duyên đến thế. Đúng là... "Đoạn trường ai có qua cầu mới hay"...
Cho đến khi nghe Bình quyết định không cho đi buôn hàng nữa, Duyên biết mình đã bị xô vào một vực thẳm không lối thoát. Giá như cái quyết định này sớm hơn thì hay biết chừng nào! Vẹn cho Duyên mà vẹn cả gia đình. Còn bây giờ, sự cuốn hút của chàng xe thồ trẻ tuổi đầy sinh lực ấy cứ mỗi lần nghĩ đến là Duyên thấy cả người mình nóng bừng lên.
Năm ngày còn lại mà Bình cho phép đã đặt Duyên vào một tình thế vô cùng cay nghiệt. Cái phần lương tâm khi nghĩ về chồng con, gia đình đã bao lần khiến Duyên gào thét với chính mình là: ở lại ! Nhưng rồi bốn ngày đêm ấy, anh xe thồ lại càng lôi kéo Duyên mãnh liệt hơn. Anh ta đã vẽ ra trước mắt Duyên một tương lai hoàn toàn tốt đẹp. Phần anh ta thì đã li dị vợ cách đây một tháng. Mà lạ chưa? Chính Duyên, trong một đêm ân ái đã nổi cơn ghen tuông buột anh phải li dị vợ. Vâng, chính Duyên, chính cái phần đàn bà xác thịt của Duyên chứ không ai khác. Bây giờ chẳng lẽ lại bỏ anh ta giữa đường, liệu có yên thân ! Bốn ngày đêm tan nát, đắng cay ấy, Duyên đã đạt đến đỉnh cao của sự dối lừa mà một người đàn bà có thể làm được.
Giá như Bình là một người bình thường thì có lẽ tội lỗi của Duyên có thể còn tha thứ. Song Bình lại là một thương binh mù loà. Có khi nào bạn cam tâm và tàn nhẫn đến mức cầm trên tay một tờ giấy bạc rồi bảo người ăn mày mù nói đúng đồng bạc màu gì bạn sẽ cho chưa ? Vậy mà Duyên chính là kẻ tàn nhẫn đó. Giá như Duyên ra đi vì tiếng hú gọi tình yêu của anh xe thồ mà để lại ít vốn liếng cho cha con Bình thì còn nhẹ nhàng hơn. Đàng này, Duyên là một người mẹ nhẫn tâm đã mang đi miếng cơm, manh áo của con mình. Có loài thú nào mà đành đoạn giựt mồi của con để ăn riêng mình như Duyên vậy hay không? Chao ôi ! Biết nói thế nào về cái vòng tay ghì riết người chồng mù trong đêm cuối ấy ! Và lý giải thế nào những nụ hôn ấm nồng mà trong đêm cuối cùng người mẹ đặt thật nhiều trên trán hai đứa con thơ ! May mà cái ngôi nhà ba gian kia, Duyên không mang đi được. Nếu mà có phép màu để mang nó đi theo thì bây giờ Duyên đã là con quái vật nào đây khi nghĩ đến ngôi nhà mà chính sự thương yêu của cha mẹ chồng dành dụm cho vợ chồng Duyên
- Phải chết đi ! Chị đập đầu vào gốc duối. Trời Phật nào lại thương hại cho mày !
Cây duối khẽ rung những lá cành, những hạt nước mưa rơi xuống ướt đầm vai chị. Chị nấc lên và ôm ghì lấy thân cây và rung lên điên dại. Cây duối vẫn trơ ra cái thân thể gồ ghề. Những chỗ lõm trên thân cây trợn trừng như những con mắt hằn thù nhìn chị. Chị hoảng hốt thét lên. Nhưng mưa gió và màn đêm đã nuốt mất cái âm thanh kinh hoàng ấy. Chị gục xuống vì nhục nhã, ê chề và vì nước mưa đã thấm vào người, lạnh cóng…
Pháo nổ. Pháo nổ vang. Đám cưới chăng? Không ! Đám cưới của Duyên - Bình ngày xưa đâu có pháo. Chỉ có những tràng đại bác nổ xa và những tràng vỗ tay, những lời chúc mừng tin yêu thắm tình đồng đội.
Hạnh phúc mất mát trong nuối tiếc tội lỗi này khiến chị mơ về ngày cưới của mình như được tổ chức trên một xứ sở mơ hồ nào đó.
Còn đêm nay, chị đang nằm bất động bên gốc duối trước sân nhà vì anh xe thồ trẻ khoẻ kia, sau khi phung phí hết cái gia tài cỏn con của chị đã dứt áo theo một người đàn bà goá, chủ một vườn cà phê rộng lớn ở Tây Nguyên…

Trời sáng...
Sau tiếng hô hoán của hai đứa con, bà con hàng xóm đã đến vật cái thân thể lạnh ngắt, co ro bên gốc duối già đưa vào bệnh viện...
Tuy có hốt hoảng và lo sợ, song hai đứa trẻ vẫn không giấu được nỗi mừng vui khi biết mẹ đã trở về.
Trong lúc đó, người chồng vẫn không thấy được gì ngoài nỗi đớn đau điếng hết cõi lòng đang dâng lên chận nghẹt cổ anh.
Từ sau vành kính đen, đôi mắt mù loà của Bình lăn tròn hai dòng lệ...

Quảng Ngãi, 12/1987 - 12/2006
MBA

Thứ Ba, 17 tháng 8, 2010

Thơ Trần Anh Dũng

BIỂN ƠI!

Theo em ra biển dạo chơi
Hỏi xem nước có gặp trời được chăng?

Kìa trông con sóng tần ngần
Cứ xô bờ mãi mà không chịu rời
Cứ đòi ở lại ham chơi
Mải mê tìm dấu chân người ngày xưa

Kìa trông gió hát nắng trưa
Cồn cào cát trắng, say sưa liễu ngàn
Em về gói giấc mơ hoang
Trong tà xiêm mỏng bàng hoàng ngủ quên

Còn đâu một thưở vẹn nguyên
Ngô nghê áo mớ làm duyên bốn mùa
Để anh mòn lối cỏ trưa
Trồng chân đợi nắng chờ mưa một đời

Theo em ra biển dạo chơi
Mới hay nước chẳng gặp trời được đâu
Thôi thì về lại với nhau
Quay xòe xanh áo giữa màu vàng trăng!


Tam Kỳ, 18/8/2010
TAD

Thứ Tư, 4 tháng 8, 2010

Lời cảm ơn của Ngày Đoàn Tụ

Chúng tôi đã thật sự xúc động và có cảm giác khó tả khi nhận được những bức ảnh quý giá từ các bạn. Những bức ảnh dường như còn nguyên vẹn thể hiện sự nâng nui, yêu mến với những tình cảm thân thương, chân tình của chúng ta.
Ngày Đoàn Tụ xin chân thành cảm ơn các bạn Hồ Thị Đào, V/c Nguyễn Thị Truyền - Nguyễn Quý, Ngô Văn Minh đã cộng tác, gửi ảnh cho chúng tôi.
Mời các bạn sang bên Kỹ Niệm Xưa để xem những bức ảnh đẹp bất ngờ này nhé!
Xin chân thành cảm ơn!
NĐT

Thứ Ba, 3 tháng 8, 2010

PHỐ HUẾ

Mình cũng có một bài thơ về Huế khi đưa em trai ra thi xứ Huế nhớ chuyến đi Huế của năm anh em sư phạn cùng bạn Phan Văn Liêm.

PHỐ HUẾ

Phố Huế thủa tôi còn nhỏ tuổi.
Đường Kinh đô áo trắng bay nhiều
Hương Giang chầm chậm chiều sương khói
Vân Lâu buồn bến vắng cô liêu.

Khi xa Huế tôi mơ hoài Vĩ Dạ
Khóm trúc la đà bến hắt hiu
Linh Mụ chùa nghiêng hồn cổ kính
Mây chùng in đáy nước xanh veo


Mười năm xa Huế tôi còn nhớ
Lăng tẩm uy nghiêm tím bóng chiều
Nhịp chèo khua tiếng hò mái đẫy
Tóc lùa gió rối dáng xiêu xiêu

Em tôi giờ lại ra phố Huế
Biết gửi gì cho hết tiếng yêu

Thứ Hai, 2 tháng 8, 2010

BÀI THƠ THÔN VỸ


(Để nhớ về nhà thơ Hàn Mặc Tử
đang yên nghĩ tại Quy Nhơn)
Buổi chiều nay tôi về chơi thôn Vỹ
Nhưng vắng rồi bóng dáng Người xưa,
Chỉ còn đây đôi tàu cau vương nắng,
Và gió ru trên những ngọn dừa.
Vẫn là em trên cầu tre giặt áo,
Lá trúc che nghiêng mặt chữ điền,
Mái tóc đen như làn suối mãnh,
Chảy êm đềm giấu nụ cười duyên;
Vẫn còn đây - bãi cát vàng vẫn mịn,
Lúa vẫn xanh, ngô vẫn phất cờ,
Vẫn "chị ấy" năm nay gánh thóc,
E ấp nhìn sau nón bài thơ.
Buổi chiều nay,
Mùi bùn non ngây ngây trong ngõ vắng,
Gió đưa hương thoang thoảng giữa đồng quê,
Chiều thôn Vỹ sao mà thơ mộng thế!
Hỡi Người xưa sao chẳng quay về?
Hỡi Nhà thơ - Nhà thơ của Huế,
Đã yên nằm nghe lá cây reo,
Nghe biển xanh quanh năm sóng vỗ,
Có mang hình ảnh Vỹ cùng theo?
(Một buổi chiều cùng N.H.T.E dạo chơi thôn Vỹ, 1984)

Thứ Ba, 27 tháng 7, 2010

Chuyện ngụ ngôn hiện đại

CHUYỆN THỎ VÀ GẤU

Thân tặng LSU và NVM

Một hôm, thỏ lặn lội đến thăm nhà gấu. Mời thỏ vào nhà, khui mấy chai bia La-ru, gấu thong thả hỏi:
- Tình hình thơi sự gần đây có gì mới không, hỡi nhà thông thái?
- Có đấy! Tôi cũng tìm đến bác với chủ đích đàm đạo về vấn để này.
- Có nghiêm trọng lắm không? Buồn hay vui?
- Cũng không thể gọi là nghiêm trọng. Cũng có kẻ vui, có người buồn. Lẽ đời là thế, gấu ơi!
- Tôi đang dõng cái tai gấu lên nghe đây. Ông học tập ở đâu cái kiểu vòng vo như vậy?
- Ông có nhớ mấy đám rau rừng ở vùng mình không, có người hái trộm rồi đó!
- À, xem trên blog tôi có biết .Tôi cũng đang tức anh ách trong bụng đây này - Vừa nói, gấu vừa mở cái bụng tròn quay ra cho thỏ xoa bóp - Cái thằng cóc đen đó thật táo tợn, nó dám ăn trộm rau rừng ở miệt Phê-son của nhà Vê-hô là lãnh địa của tôi. Tôi biết nhưng chưa bắt tận tay, day tận mặt nó ra nên đành ngậm bồ hòn làm ngọt ông bạn thân à!
- Ủa, có cái đám rau rừng đó nữa à? Tôi thì tôi không nghĩ vậy. Ban đầu tôi cũng tức như ông. Tôi nghĩ nó ăn trộm rau rừng trên miệt Ti-chu của nhà Be-tra ở quê tôi nên tôi tức lắm. Thiên hạ đều khen tôi lanh như thỏ mà lại để hắn hớt tay trên thì ai mà không tức!
- Thôi đành ru lòng mình vậy ông à! Dù sao hắn cũng là bạn của mình!
- Bạn gì nó nữa hở ông! Bạn sao hắn không rủ mình cùng đi ăn trộm với mà lén lút đi một mình.
- Nhưng mà cuối cùng thì ông phát hiện ra được cái gì? Uống một hớp nữa rồi kể nào! - Gấu vỗ bụng cười khề khề - Rau rừng thì tụi mình ai chả thích ông nhỉ?
- Nó ăn trộm rau rừng của ả bướm vàng ở xứ Ca-lu-cha mới tức chứ. Buồn cười là thằng ăn trộm và kẻ mất của lại thông đồng với nhau hái hết nguyên một vạt rau lớn của tụi mình!
- Vậy à? Thế thì để hôm nào tôi phone cho bướm vàng, hỏi vườn nhà nó còn nhiều rau không, tụi mình kéo nhau ra ăn trộm một bữa nhé!
- Vậy là ngéo tay nhé! Có dám thề, dám hứa, dám đảm bảo với thỏ hay không nào?
- Nhưng mình có nên rủ cái thằng cóc đen xấu xí đó đi không nhỉ?
- Nó trộm rồi, chắc là nó không ăn nữa đâu. Thôi thì chỗ bạn bè, mình rủ nó đi luôn một thể nhé!
Thỏ ôm lấy vai gấu, rưng rức chia tay, cả hai cùng ngâm nga câu hát: “Được ăn rau rừng em hái/ cho thèm cả một đời tôi…”

Ngày Đoàn Tụ nối dài


Kỳ 2: CHUYỆN VỀ BỬU KHÁNH VÀ ANH DŨNG

Nguyễn Bửu Khánh và Trần Anh Dũng vừa có duyên và cũng vừa có nợ với nhau. Nếu bảo hai anh chàng này rất yêu thương nhau thì cũng đúng mà bảo họ rất ghét nhau thì cũng phải. Họ trái nhau nhiều cái: Khánh nhanh nhẹn, tháo vát luôn đi trước, đón đầu; còn Trần Anh Dũng thì chậm chạp, cù mì ai chọc ghẹo cũng cười khì khì cho qua chuyện. Được cái, cả hai đều chân tình, không để bụng để dạ, sẵn sàng “ủng” khi người kia “hô”.
Sau Ngày Đoàn Tụ, Anh Dũng dạy xong ở Đồng Tháp rồi dạy tiếp Nha Trang, “tân-bo” Sài Gòn một đêm, Khánh ra tận bến xe đón. Vừa gặp bạn chí thân, hắn đã hặc:
- Mày đưa tao 500 ngàn bao giờ mà lại phao lên blog?
Anh Dũng tỉnh khô vờ như không biết gì:
- Tao có biết gì đâu, mày kể nghe!
- Thì trong chuyện “Thằng câu trộm cá” có nói: “Trong cơm sung sướng, AD vui vẻ rút ngay năm trăm đưa tận tay BK (có lẽ sau nầy hắn sẽ mất ngủ mấy đêm vì tiếc tiền)" thì không tao và mày thì còn ai?
- Thôi đi bạn chí thân à! K thì có cả trăm ngàn K: Khôi, Khiêm, Khải, Khả rồi Khù, Khờ, Khùng, Khía chứ riêng gì cái tên Khánh hay ho của mày đâu?
- Nhưng cả C5A9 đang nháo nhào đồn đãi rằng tao lấy 500 ngàn của mày! Thậm chí vợ tao còn bảo: “Anh lo mà dè xẻn, dành dụm tiền gửi trả lại cho anh Dũng” đó kìa!
- Thôi thì thế gian ganh ghét nhưng anh em mình yêu thương nhau là được!
- Yêu thương cái con khỉ!
Gây nhau vậy nhưng rồi Khánh cũng đưa Dũng về nhà kêu Trâm Em xuống nhậu hết sạch một thùng “ken”.
Tối hôm đó, trong lúc hứng chí, Trâm Em lỡ miệng: “Trưa mai, tôi mời hai ông, ba anh em mình nhậu một bữa”. Sẵn máu thèm ăn và ham nhậu nhẹc, không ai bảo ai sáng hôm sau cả hai cùng dậy rất sớm. Dũng hỏi Khánh cũng là để tự chữa thẹn:
- Khi hôm có xem đá bóng trận hai không mà dậy sớm dzữ dzậy?
- Ừa mình bị bệnh mất ngủ kinh niên nên dậy sớm lắm. Bạn có ngủ ngon không?
- Tôi cũng thao thức hoài, lạ nhà, lạ giường khó ngủ quá!
Khánh đi guốc trong bụng cái thằng bạn ăn bờ ngủ bụi này rồi nhưng cũng vờ im lặng gật đầu.
Không biết có kịp đánh răng, rửa mặt hay không mà hai anh chàng kéo nhau đi sớm lắm. Ăn mai, cà phê xong, Dũng bảo:
- Có lẽ mình nên về nhà ngủ một giấc.
- Sao lại về nhà? Ở đây chơi rồi đi gặp Trâm Em luôn.
- Trâm Em hẹn mấy giờ thì bắt đầu nhỉ?
- Mười một rưỡi!
- Trời ơi! Giờ mới tám giờ mà!
- Thì chỉ còn ba tiếng rưỡi nữa chứ mấy mà. Họ đợi nhau cả đời còn được nữa là!
Hôm đó cả hai phải trả thêm tiền trà. Và cũng không ai bảo ai, cứ ngồi nhìn chằm chằm cái đồng hồ treo tường ở quán.
Hai anh chàng đợi tiếp Trâm Em ở nhà hàng đâu chừng nửa tiếng thì anh chàng bác sĩ đến.
- Sao lại ngồi đó? Vào phía bên này!
- Bên này mát và thoáng hơn mà.
- Mình chỉ ăn trưa thôi. Gian buffet ở bên này. Ăn kiểu này no lắm!
Cả hai lủi thủi sang chọn món ăn, tranh thủ cạn được mỗi người hai ly vang đỏ rồi lặng lẻ ra về buồn như bị vợ đuổi.

Chủ Nhật, 25 tháng 7, 2010

Về chuyến đi Thăng Bình

Thưa các bạn!
Theo sáng kiến của các bạn C5A9 Tiên Phước mà chủ xướng là bạn Huỳnh Thị Vũ, nhóm C5A9 chúng tôi đã vội vàng thành lập và có chuyến đi thăm Thăng Bình thú vị. Các bạn đã hẹn nhau xuất phát tại thành phố Tam Kỳ. Các bạn Huỳnh Thị Vũ, Lê Thị Liên, Võ Công Thành từ Tiên Phước đã đã hẹn gặp các bạn Phan Văn Liêm, Nguyễn Thị Cúc, vợ chồng Phạm Thị Ngọc Lan và Trần Anh Dũng tại cafe Trà Mai Hạc để cùng ra quân. Điều bất ngờ là trưởng ban ban tổ chức Ngày Đoàn Tụ VI Hồ Thị Đào cũng kịp thời nắm bắt thông tin và có mặt với sự hộ tống của Ts Ngô Văn Minh. Điều đáng tiếc là vì lý do gia đình và công tác bạn Ngô Văn Minh và anh Nguyễn Tiến (phu quân Huỳnh Vũ) đã không thể tham gia chuyến đi cùng sự vắng mặt của của các bạn Phan Thanh Tiến, Lê Song Uyên, Kiều Hùng, Nguyễn Quốc Việt như đã hẹn trước. Chuyến đi xuất phát lúc lúc 8 giờ với đôi chút trục trặc.
Do thông tin không đồng nhất, nên nhóm đi trước thẳng tiên đến nhà bạn Trương Thị Lành (Bình Triều) còn nhóm đi sau là vợ chồng Ngọc Lan lại "đánh" vào nhà Nguyễn Quý. Vì thế, nhóm của Vũ khi vừa đến nhà Lành (với sự đón tiếp của Lành và bạn Phan Thị Bé) uống vài hớp nước ... khoáng đã vội vã khăn gói, đồ đạc quay về Nguyễn Quý. Trần Anh Dũng đèo Hồ Thị Đào với chiếc xe city cà tàng đã phải dừng lại sửa chửa hai ba lần dưới cái nắng chói chang của xứ cát Thăng Bình. Thật thương cho vị nữ trưởng ban! Mệt nhọc, nhưng rồi gần 12 giờ trưa, cả nhóm cũng đã có mặt tại nhà Nguyễn Quý trong sự rôm rả của niềm vui họp mặt. ăn uống và tâm sự say mê nên cả nhóm đành cáo lỗi không đến được nhà Phan Thị Bé và các bạn khác trong cảm xúc vui mừng và bịn rịn. Chia tay, các bạn Tiên Phước lại ra về còn nhóm C5A9 Tam Kỳ đưa "Bà chúa đảo" về thăm và ăn tối tại nhà Phan Văn Liêm và Phạm Thị Ngọc Lan trong ngập tràn cảm xúc.
Chúng tôi xin giới thiệu hình ảnh chuyến đi khá thành công trong video clip mang "Chuyên đi Thăng Bình" trên nền bài hát Thăng Bình hai tiếng ru nôi do ca sĩ Hoàng Vi trình bày.



Slde:

Thứ Ba, 20 tháng 7, 2010

THÔNG BÁO MỞ CHUYÊN MỤC MỚI

Thưa các bạn, theo sáng kiến của các bạn Nguyễn Thị Bảo Trân và Nguyễn Hữu Trâm Em, chúng tôi xin xin phép được mở một chuyên mục mới nhằm lưu giữ lại những kĩ niệm (ảnh cũ, lưu bút của khóa mình). Nói thật với các bạn rằng: Hihihi, có những điều trước đây cần giữ kín nhưng giờ cũng nên "lần đầu" công bố với bạn bè. Nào mời các bạn vào xem. Xem thử trong đó có mình không!? Và... nhớ lại mình có còn lưu giữ tấm hình nào không. hãy bằng một cách nào đó ít trầy sướt nhất, hãy gởi đến bạn Trần Anh Dũng theo địa chỉ: TAD - Khoa Toán Tin trường Đại học Quảng Nam. ĐIện thoại: 0905713106 nhé!

Để xem ảnh, mời bạn click vào đây

Thứ Sáu, 16 tháng 7, 2010

Về chuyến đi Tiên Phước

Nhận được quyền đăng cai tổ chức Ngày Đoàn Tụ 2012 tại thành phố Hội An, đại diện ban tổ chức - Hồ Thị Đào đã bắt đầu chiến dịch vận động Ngày Đoàn Tụ lần VI bằng chuyến đi thăm Tiên Phước vào ngày 12/7/2010. Chuyến đi Tiên Phước của Hồ Thị Đào cùng hai trợ lý Nguyễn Quý và Trần Anh Dũng đã được sự đón tiếp nồng nhiệt của bạn bè Tiên Phước. Đoàn đã ghé thăm gia đình các bạn: Võ Thị Lệ, Trương Thị Lành, Trương Thị Ban, Võ Thị Kim Cẩm, Nguyễn Xuân Vinh, Nguyễn Thị Ngôn, Huỳnh Thị Thanh Tâm, Huỳnh Thị Vũ, Phạm Thị Liên, Nguyễn Thị Trúc Mai, Nguyễn Phước Vinh, Lê Trần Mộng Ngọc và Lê Thị Liên. Điều cảm động và sung sướng nhất là đi đến đâu, nhưng người thân trong gia đình đều vui mừng, nồng nhiệt và khuyến khích việc tổ chức Ngày Đoàn Tụ sắp tới. Sáng ngày 13/7 đoàn đã đến dâng hương chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng với sự đón tiếp nồng hậu của gia đình (cũng chính là anh chị Tâm - Nghiễm). Hồ Thị Đào và hai đồng sự chia tay Tiên Phước vào chiều ngày 13/7 và tiếp tục đi thăm Hiệp Đức với chuyên làm khách gia đình Lê Song Uyên. Theo nguồn tin riêng của cenamachin.blogspot, theo dự kiến của "Bà chúa đảo", BTC Ngày Đoàn Tụ sẽ tổ chức tiếp các chuyến thăm các huyện mà điểm đến tiếp theo sẽ là Huyện Đại Lộc vào mùa hè năm tới - 2011. Chúng tôi xin phép được chuyển tải đến các bạn hình ảnh của chuyến đi qua video clip trên nền bài hát Cho dù có đi nơi đâu - Nhạc và lời Thế Hiễn với phần trình bày của ca sĩ trẻ Thanh Tuyền.




Chủ Nhật, 11 tháng 7, 2010

Thơ Trần Anh Dũng

RAU RỪNG
Tặng ...

Được ăn rau rừng em hái
Cho thèm cả một đời tôi
Buổi chiều hiền như cỏ dại
Đợi nhau nóng cả chỗ ngồi

Hai sáu năm giờ gặp lại
Ngỡ ngàng nhìn lá vàng rơi
Thấy nắng in xiên chớn tóc
Biết nhau đã lắm tuổi rồi

Em bây giờ thành thiếu phụ
Tuổi xuân ở lại bên đồi
Tôi bây giờ thành lãng tử
Ôm đàn hát khúc phai phôi

Một mai khi em trở lại
Biết đâu tôi đã đi rồi
Nhớ hái trên ngàn mây trắng
Rau rừng đắp kín hồn tôi!

Tam Kỳ 10/7/2010
TAD

Thứ Bảy, 10 tháng 7, 2010

Cảm xúc Nguyễn Hữu Trâm Em



NỖI NHỚ MÙA ĐÔNG


Chiều Sài Gòn mấy hôm nay mưa nhiều. Mưa giăng giăng khắp phố phường, cơn gió bất chợt se lạnh và bài hát “Nỗi nhớ mùa đông” văng vẳng, tôi lại bồn chồn nhớ những mùa đông năm xưa. Bài hát với giai điệu thật ngọt ngào, sâu lắng như đánh thức những mùa đông lãng quên. Những ký ức lại hiện ra, tôi lại nhớ “dòng sông đôi bờ cát trắng” của tuổi thơ, tiếng “chuông chiều xa vắng” ngân lên từ nhà thờ Phú Cam của thời sinh viên….

Bài hát đưa ta về quá khứ, những quá khứ thật ngọt ngào và hạnh phúc. Con người dù sống giữa hạnh phúc hiện tại vẫn luôn nhớ về hạnh phúc đã qua. Con người dù chấp nhận quẩn quanh với thực tại nhưng vẫn luôn khát khao được với tay để chạm vào quá khứ-một cánh cửa pha lê trong suốt của tiềm thức. Dù không gian vẫn còn đó nhưng thời gian đã thay đổi, con người vẫn không trở lại được chốn xưa.

Làm sao về được mùa đông
Dòng sông đôi bờ cát trắng
Làm sao về được mùa đông
Để nghe chuông chiều xa vắng

Khi không thể trở lại quá khứ, con người tự an ủi mình và chấp nhận thực tế:

Thôi đành ru lòng mình vậy
Vờ như mùa đông đã về...

Sài Gòn, 10/7/2010
NHTE

Thứ Năm, 8 tháng 7, 2010

Bài hát về Quảng Nam

Tình khúc Thu Bồn - Nhạc và lời: Phan Văn Minh

Thứ Tư, 7 tháng 7, 2010

Thơ Ngô Văn Minh


HUẾ VÀ EM

"Tạm biệt Huế với chiếc hôn tiễn biệt
Anh trở về hóa đá phía bên kia"
(Thu Bồn)

Em hỏi anh: Ai viết bài "Tạm biệt"
Để trở về hóa đá phía bên kia?
Nhà thơ ấy, giờ thế nào chẳng biết,
Chỉ riêng anh, hóa đá chính nơi này!
Họ vẫn còn diễm phúc được cầm tay,
Để dắt nhau thăm từng ngôi đền cổ,
Giữa hai ta chưa một lời để ngỏ,
Ánh mắt nhìn có nói hộ lòng nhau?
Hương giang xanh trôi chảy về đâu,
Thành quách cổ mà áo em vẫn trắng!
Vẫn giọng nói dịu dàng sâu lắng,
Ánh mắt nhìn mơ mộng, trầm tư,
Nắng Tràng Tiền gọi nón đề thơ,
Gió Vỹ Dạ mơn man bờ vai mịn,
Vẻ đẹp Huế khiến lòng anh xao xuyến,
Và cái nhìn cũng lắm duyên tư.
Huế là Em - Em là Huế, mộng mơ,
Là tất cả lời dân ca em hát,
Là tất cả khiến người lữ khách,
Để lòng mình hóa đá trước khi xa!
Huế, 1985
NVM

Thứ Hai, 5 tháng 7, 2010

Nghe nhạc tý

Nghe tý các bạn nhé. Chỉ là giải stress thôi mà.
Ca khúc: Nỗi nhớ mùa đông
Nhạc và lời: Phú Quang
Ca sĩ trình bày: Thu Phương



Lời bài hát:
Nỗi Nhớ Mùa Đông
Nhạc và lời: Phú Quang

Dường như ai đi ngang cửa,
Gió mùa đông bắc se lòng
Chút lá thu vàng đã rụng
Chiều nay cũng bỏ ta đi.
Nằm nghe xôn xao tiếng đời
Mà ngỡ ai đó nói cười
Bỗng nhớ cánh buồm xưa ấy
Giờ đây cũng bỏ ta đi.

Làm sao về được mùa đông
Dòng sông đôi bờ cát trắng
Làm sao về được mùa đông
Để nghe chuông chiều xa vắng
Thôi đành ru lòng mình vậy
Vờ như mùa đông đã về

Làm sao về được mùa đông
Dòng sông đôi bờ cát trắng
Làm sao về được mùa đông
Mùa thu cây cầu đã gãy
Thôi đành ru lòng mình vậy
Vờ như mùa đông đã về

Thứ Năm, 1 tháng 7, 2010

Thơ Nguyễn Hùng Tín

NHT trong NĐT  2011
Thưa các bạn, trong những số trước, chúng tôi đã có dịp giới thiệu đến các bạn tác phẩm văn: "Lá thư tình dang dỡ" của tác giả Nguyễn Hùng Tín. Lần nầy Hùng Tín sẽ đến với chúng ta với một gương mặt khác. Sẽ mềm mại hơn, ấm áp hơn - Một Nguyễn Hùng Tín nhà thơ! Mời các bạn đón đọc!
Thơ Hùng Tín không bay bướm, hào hoa như Bửu Khánh, không nồng nàn, quyến rũ như Nguyễn Văn Trung, không trí tuệ, đỏng đảnh như Ngô Văn Minh, cũng không kỹ lưỡng, khuôn phép như Trần Anh Dũng. Thơ anh ấy thật nhẹ nhàng, chân thật. Bằng tâm hồn rất dung dị của mình, anh đã biết chọn cách đi đến trái tim người đọc bằng con đường hiền hòa, đơn giản nhất. Hãy bắt đầu theo anh, ta cùng về lại thời quá vãng:
Mười năm thấm thoát trôi qua
Mười năm lá rụng vỡ òa reo vang
Nắng lùa gió cát chang chang
Hỏi ai còn nhớ "Trăng vàng Thanh Khê"?
Cái sự "vỡ òa" trong "gió cát chang chang đó" dường như mỗi ai cũng còn đang lưu giữ những kỹ niệm đẹp trong lòng. Với anh là cả một sự nổ lực, gọi là "những ngày thầy bạn" để mà "chung tài góp sức" lo cho ngày mai.
Tuy vậy, cuộc đời này không hề đơn giản như những gì chúng ta nghĩ thời "hai mươi tuổi" đó. Giờ cũng có người còn miệt mài với niềm say mê bục giảng nhưng cũng có người phải rẽ lối, đi theo hướng khác như anh nói về mình:
Hôm nay Tín đã "về vườn"
Nhưng hồn vẫn gửi giảng đường ngày xưa!
Đẹp quá phải không các bạn!

Dường như Hùng Tín của chúng ta đã dành riêng trong lòng mình một ngăn kéo cho sự hoài mong. Mỗi câu thơ anh đều lưu giữ những năm tháng cũ:
Cát trắng thông xanh sóng rì rào
Nhớ về nơi ấy biết làm sao
Trường xưa lớp cũ nay còn đó
Thấy bạn giờ đây biết nẻo nào

Cái thao thiếc u hoài trong lòng người xa xứ với những lận đận đời thường làm con người ta như chấp nhận bằng lòng với những gì mình có:
Tín giờ lận đận ở phương xa
Vợ bé con thơ với mẹ già
Năm tháng quẩn quanh chăm vườn tược
Tiết đổi mùa thay sống đủ vừa

Để những lúc buồn nhất, cô quạnh nhất, Hùng Tín lại nhớ đến chúng ta những người bạn Cê năm thuở còn chung học:
Nay gửi trong thư tình vạn dặm
Nhắn nhủ đôi lời tỏ viếng thăm
Xa cách ... thời gian ai còn nhớ
Chúng mình chung khối học Cê năm.


Trong bài viết này, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến các bạn hai trong số những bài thơ của anh. Thơ của Hùng Tín - Một tân hồn thật đẹp.

NHỚ
Mười năm thấm thoắt trôi qua
Mười năm lá rụng vỡ òa reo vang
Nắng lùa gió cát chang chang
Hỏi ai còn nhớ "trăng vàng Thanh Khê"?
Những ngày thầy bạn say mê
Chung tài góp sức hướng về tương lai.
Bây giờ nơi ấy còn ai
Hay còn đọng lại những ngày tri âm
Xa xa vọng tiếng còi tầm
Não lòng, đứt ruột lặng thầm tiếc thương
Hôm nay Tín đã "về vườn"
Nhưng hồn vẫn gửi giảng đường ngày xưa
Đêm buồn trời đổ con mưa
Viết đôi câu chữ vẫn chư hết lời
Vài dòng tâm sự đầy vơi
Gửi thăm bè bạn khắp nơi xa gần.
NHT

NHẮN NHỦ

Cát trắng thông xanh sóng rì rào
Nhớ về nơi ấy biết làm sao
Trường xưa lớp cũ nay còn đó
Thấy bạn giờ đây biết nẻo nào

Tín giờ lận đận ở phương xa
Vợ bé con thơ với mẹ già
Năm tháng quẩn quanh chăm vườn tược
Tiết đổi mùa thay sống đủ vừa

Cái thuở mười năm còn vương vấn
Sách vở, bạn bè, phấn bảng đen
Giáo án từng đêm hằng thao thức
Gõ đầu lũ trẻ đã từng quen

Nay gửi trong thư tình vạn dặm
Nhắn nhủ đôi lời tỏ viếng thăm
Xa cách ... thời gian ai còn nhớ
Chúng mình chung khối học Cê năm.
NHT

Thứ Ba, 29 tháng 6, 2010

Ngày Đoàn Tụ nối dài

Kỳ 1: CHUYỆN VỀ BẢO TRÂN
Bảo Trân về dự Ngày Đoàn Tụ trong sự ngỡ ngàng của khá đông con trai, con gái C5A9. Không hẳn chỉ vì sự trẻ trung xinh xắn của cô gái này mà còn vì lần nầy Bảo Trân về chơi và ở lại Tam Kỳ - Tiên Phước khá lâu. Một công đôi việc, ngay sau ngày họp mặt, cô bé hỏi thăm và đăng ký học lớp ngồi Thiền để chữa căn bệnh mất ngủ xưa nay của mình.
Không biết trùng hợp thế nào, ngay hôm sau, anh chàng Thành Liêm ở tận Thăng Bình cũng tọ mọ xin vào đăng ký học, nhưng khôn khéo học lệch buổi để tránh những lấp lững, thọc mạch của bạn bè. Anh ta về khoe với vợ:
- Anh đã đăng ký học lớp Yaout rồi em nhé!
- Có gì mà phải học hả anh, cứ mua sửa về trộn thêm một hủ yaout giống rồi ủ nước ba sôi hai...
- Không phải, Yaout này không phải ăn mà để chữa cho hết bệnh.
- Chứ anh có bệnh gì đâu!?
- Thì ai mà chẳng có bệnh trong người. Học để phòng ngừa thôi, em ạ! À mà anh quên, hình như là Yoga chứ không phải yaout!
Nghe tin Bảo Trân ở lại Tam Kỳ, Trần Anh Dũng cũng dự định hủy bỏ chuyến đi dạy từ xa ở miền Tây, để ở nhà mỗi sáng đưa Bảo Trân đi học:
- Bảo Trân đừng ngại gì. Người Tam Kỳ rất hiếu khách và hết lòng với mọi người!
- Thôi anh ạ, ngoài em ra, anh còn vợ con, gia đình nữa. Không nên vì em mà...
Anh ta ngoan ngoãn nghe lời, nhưng khi vào Miền Nam cứ tranh thủ nhắn tin hỏi thăm: “Em học thế nào rồi? Có ai đưa đón em không?” - “Tốt anh à, em “lên tiên” ngày một vậy!”. Anh ta trắng trợn tán tỉnh:”Trên đó có vui không em? Cho anh đi theo với!” - “Trên này thì vui rồi, nhưng chỉ sợ anh không có cơ duyên” - “Thì em hãy năn nỉ xin hoặc mua cho anh một ít mà!”.
Người hạnh phúc nhất trong đợt này là anh chàng Xuân Vinh. Do ngại đường xa nên Bảo Trân chọn anh ta làm tài xế riêng, đi đâu cũng kè kè như bồ bịch. Nhớ lần đi biển Tam Thanh, anh ta sung sướng chạy vù vù, hết nhanh rồi chậm cứ bấm còi te te như chọc t ức mọi người làm Nguyễn Quý từ Thăng Bình vào mà phải đi xe không cứ tức anh ách. Quý đỏ mặt tím mày chia xẽ với Anh Dũng:
- Cái thằng cha Xuân Vinh thật là không biết điều, ỷ có Bảo Trân rồi làm phách.
Anh Dũng lại đổ thêm ớt vào tương:
- Mày mà dám coi trời bằng vung hả Xuân Vinh. Lúc có thì cũng phải nghĩ đến lúc không chứ!
- Hừm, cái đồ ... cái đồ...
- Thôi, đừng bỏ về Quý nhé! Thua keo này thì bày keo khác vậy!
- Còn keo nào nữa đâu mà bày? Mấy ngày nữa là Bảo Trân đi mất rồi!
Đầu tháng Bảy, Bảo Trân ra đi, Bốn anh chàng đẹp trai: Thành Liêm, Anh Dũng, Xuân Vinh và Nguyễn Quý tiễn đến tận sân ga, lòng buồn rười rượi, gương mặt ai cũng xơ xác, kinh hoàng như vừa qua những cơm ốm nặng.

Một số hình ảnh của Bảo Trân:


Thứ Hai, 28 tháng 6, 2010

Gửi Sài Gòn!

Viết trong lúc Sinh, Ý, Khánh và Trâm Em đang nhậu ở nhà Trâm Em


TẶNG SINH, Ý, TRÂM EM, KHÁNH
Bây chừ ai ở bên ai
Trái tim đi lạc ở Sài Gòn xa
Người nhậu nhẹt quán phồn hoa
Ta ngồi gác vắng ngâm nga câu buồn
Ở trong nớ có mưa tuôn
Ngoài ni nắng cháy nỗi buồn xót xa

CẢI NGỒNG
Mấy tiên ông rượu ngà ngà
Mà sao chẳng thấy tiên bà đoái trông
Dường như cải đã quá ngồng ?!
Thôi mai gồng gánh ra đồng nhổ phơi!

HẾT RƯỢU
Tiên Sinh ghé Sài Gòn chơi
Tiên Ý làm “vị khách” mời đẫy đưa
Cà rà vài chén nắng mưa
Tiên Trâm Em hết rượu:”sao chưa thằng nào về!”???

"NHEN RENG" CƯỜI
Tiên Bửu Khánh quá tê mê:
"Thôi tui "bye" trước, mấy - ông "dzề" sau nghen"
Sao lời trần thế quen quen?
Bốn tiên tụm lại ngồi "nhen reng" cười!
Híhíhí!!!

Thứ Bảy, 19 tháng 6, 2010

Video Ngày Đoàn Tụ 06/06/2010

Thưa các bạn, đây là toàn bộ DVD của Thành Liêm đã làm được cho C5A9. Chúng tôi đăng tải lên blog để mọi người có thể xem ại hình ảnh của khóa cũng như bạn bè mình. Do dun lượng đĩa DVD quá lớn nên chúng tôi phải cắt thành các clip nhỏ thì mới tải được lên blog. Chúng tôi đã sắp xếp các clip theo thứ tự,các bạn lần lượt mở xem. Nếu bạn đang ở một đường mạng yếu, để khỏi tốn công chờ đời download về máy. Các bạn có thể click vào nút play rồi sau đó bấm dừng tất cả các clip, rồi lần lượt mở xem theo thứ tự. Chúc các bạn vui vẻ.

clip 01


clip 02


Clip 03


Clip 04


Clip 05


Clip 06


Clip 07


Clip 08


Clip 09

Thứ Hai, 14 tháng 6, 2010

Những câu chuyện bên lề Ngày Đoàn Tụ

Chuyện thứ nhất: Thằng câu trộm cá

Như đã hẹn trước, một số anh em ở xa hẹn nhau họp mặt tại Tam kỳ sớm một ngày để chuẩn bị họp mặt. SU từ Hiệp Đức, NQ từ Thăng bình, Đ từ Cù Lao Chàm, M từ Đà Nẵng, BK từ T/p Hồ Chí Minh, BT và HT từ Đà Lạt. Từ buổi trưa, AD (chủ nhà Tam Kỳ) đã nôn nao chuẩn bị, anh ta cứ tháy máy vào túi quần túi áo với cái Nokia nóng như củ khoai lùi.

Người đầu tiên AD bấm máy gọi là anh chàng M – Đà Nẵng:

- Sao, ông chạy tới đâu rồi?

- Mình vào không được cậu ơi, gia đình mính có chút chuyện nên sáng mai mình sẽ vào sớm. À mà này, em Đ chiều nay cũng không vào được đó hen!

- Sao vậy?

- Thì em đợi sáng mai mình chở vào sớm mà.

AD cắt máy cái rụp rồi bấm gọi cho Đ:

- Alo, Đ đã lên đường chưa? Anh em đang trên đường đến Tam Kỳ.

- Sáng mai Đ vào sớm với anh M đó D à, anh M đã gọi điệm thoại bảo vậy.

AD đỏ mặt tía tai, thầm nghĩ: “Nếu mà để xảy ra vụ này thì có mà thằng M nó chọc quê cả đời như chơi”. Hắn trở giọng năn nỉ:

- Đ sắp sếp vào đi! Mọi người đến sẽ đông vui lắm!

- Nhưng khoảng 5 giờ thì có còn xe buýt vào Tam Kỳ không?

- Mình sẽ cử người đến đón Đ tại Vĩnh Điện nhé!

Vậy là anh ta bấm máy cho K – Sài Gòn:

- Alo, K ơi! Ông lên máy bay chưa?

- 3 giờ mới bay, mới 1.45 mà cụ! 4.30 mình sẽ đến Đà Nẵng, sẽ có mặt Tam Kỳ lúc 6.00.

- Thôi thế này, ông liên lạc với Đ rồi 5 giờ đón Đ tại Vĩnh Điện nhé!

- Nhưng mình đi xe buýt vào mà.

- Ông hãy liên lạc với ai đó Đà Nẵng mượn xe máy rồi chạy vô đón Đ nhé!

- Mình sẽ cố gắng!

Buổi tối, khi SU, VTH, vợ chồng ĐTL, vợ chồng NQ, và anh em Tam Kỳ hội tụ tại nhà AD thì BK và Đ xuất hiện trong sự mừng rỡ của mọi người. AD ứa nước mắt vui mừng cảm ơn BK.

- Cám ơn bạn già, đi xe buýt vô à?

- Xe buýt cái con khỉ! Đi taxi vòng qua Hội An đón Đ, ông cụ ạ. Hết năm trăm ngàn đồng lận đó! Trả lại nhanh đây!

Trong cơm sung sướng, AD vui vẻ rút ngay năm trăm đưa tận tay BK (có lẽ sau nầy hắn sẽ mất ngủ mấy đêm vì tiếc tiền).

Vừa nhậu vui một tý thì AD có điện thoại của M:

- Alo, sao? Anh em đã có mặt đông đủ chưa? Gồm những ai vậy?

Gương mặt của AD giản rộng dần ra như cái bánh mì nóng:

- Đông đủ mọi người cả rồi SU, VTH, ĐTL, NQ, BK, Đ và anh em Tam Kỳ.

- Có cả Đ nữa à? Làm sao nó vào được vậy?

- BK đưa vào mà!

- Trời ơi là trời! Cái thằng câu trộm cá!

Sáng hôm sau, M vào Tam Kỳ trễ hơn một tí, khoảng 9.15. Vẫn với gương mặt tươi như hoa hương dương nở sớm, khi tìm và chở được “em” ĐTH cùng vào. Nó bảo AD: “Ông thấy tui có ngon không, vẫn không bao giờ đi xe không đâu nhé!”. Rồi anh ta vội vã chạy đi tìm BK.

Câu chuyện thứ hai: Kẻ gãy chân người bị chó cắn

Nhờ dám tự nhận làm trưởng ban tổ chức Ngày Đoàn Tụ nên AD cũng tạo được chút ít uy tín đối với một vài anh chị em trong gia đình C5A9, có vài người còn nhắn tin đến anh ta bảo hãy giữ gìn sức khỏe, tránh chuyện rượu chè be bét như trước đây. Vì họ nghĩ, nếu anh ta có trở sự gì thì Ngày Đoàn Tụ sẽ kém vui. Anh ta tưởng mình là nhân vật đại quan trọng nên càng thêm hăng hái in giấy mời gửi đến từng đơn vị huyện, trong đó có Thăng Bình là quê hương của NQ – Một anh chàng Quảng Nam đăc sệt – Hay cải cọ và thích gây lộn.

Trước Ngày Đoàn Tụ khoảng tuần lễ, AD đi Thăng Bình do có công việc ở đơn vị công tác. Không biết anh ta nhắn nhe thế nào mà L mời anh ta đến nhà chơi. L là một bạn gái C5A, kém bạn bè trong lứa C5 một tuổi, giờ trông xinh đẹp lắm. Vừa ngồi vào bàn, AD vội vàng rút điện thoại gọi cho NQ:

- Alo, ông đang làm gì đó, tui đang ở Thăng Bình đây.

- Thăng Bình là chỗ nào? Ghé lại tui chơi.

- Không được, tui đang ở nhà L, tui ở lại trưa luôn đó. Ông đừng đến nhé!

- Không nên đâu, hàng xóm của L toàn là võ sư, võ sĩ hung dữ, táo tợn lắm đó nghe!.

Không biết vì bận công việc hay vì tin vào lời dọa dẫm của NQ mà AD vội chào từ biệt L về Tam Kỳ ngay sau đó.

Hai ngày sau, AD nhận được tin nhắn của L: “AD ơi, anh NQ đến nhà đưa giấy mời, ngồi ở nhà em từ sáng đến giờ mà không chịu về” – “Mà vì sao vậy? có lẽ do em nhai ching-gun trét bừa bãi nên nó bị dính ghế rồi? Thôi, hay là em nấu cơm cho nó ăn trưa luôn đi! Có thể nhà nó hết gạo!” – “Không được đâu, em ngại lắm!” – “Sao vậy?” – “Vì chồng em vắng nhà!” – “À, ra vậy! Thì em cứ xịt chó cắn đi!”.

Tối hôm đó, AD nhắn tin cho NQ: “Tui lo cho ông quá. Nghe đồn ông bị chó cắn rách hai ống quần à? Ông xem thử có trầy sướt gì không, lo đi tiêm thuốc chó dại đi nhé! Tốn bao nhiêu tui lấy trộm tiền họp lớp gửi lại cho”. NQ tức đắng cả họng, vội gọi điện thoại cho L:

- L ơi, em biết chuyện gì chưa? D nó bị ốm nặng, nghe nói vừa nhập viện khi chiều, em ạ!

- Bị gì vậy? Anh vào thăm anh ấy chưa?

- Heo nhà anh bị dịch, anh phải lo mang đi chôn em ạ. Anh gọi điện nhờ em vào thăm xem nó thế nào, nó mà có mệnh hệ gì thì họp mặt bất thành em ạ!

Vậy là trong suốt mấy ngày trước khi họp mặt, L cứ nhắn tin hỏi thăm chuyện bệnh hoạn của AD, đòi mua sữa và bánh mì kẹp thịt vào thăm. L lo lắng đến nỗi khi gặp lại AD vào 6/6 cô bé cứ sờ soạng khắp người anh ta để xem có còn chỗ nào ốm nữa không làm anh ta ngượng nổi cả da gà da cóc! Còn NQ thì tiếp tục nhắn tin báo cho bạn bè rằng AD đến thăm L rồi ở lì lại nhà nên bị mấy ông hàng xóm đánh cho gẫy gò phải đi nhập viện.

Đúng là chỉ tại mấy cái giấy mời!

Chú thích: Trong những câu chuyện này, vì lý do tế nhị, chúng tôi đã đổi tên tất cả các nhân vật và địa danh. Xin chân thành cáo lỗi cùng bạn đọc.

Thứ Năm, 10 tháng 6, 2010

Ngày Đoàn Tụ C5A9 Tam Kỳ 2010 thành công tốt đẹp

Thưa các bạn! Cho đến bây giờ chúng ta cớ thể khẳng định rằng: Ngày Đoàn Tụ C5-A9 Tam Kỳ 2010 đã thành công mỹ mãn. Chúng ta đã có mặt gần một nửa thành viên trong gia đình, có mặt của nhiều bạn từ phương xa, đăc biệt nhất là sự có mặt của thầy giáo cũ Nguyễn Văn Dũng. Chúng ta được cầm chặt tay nhau, được khóc cười, được tâm sự, xẽ chia, được hò hát suốt cả buổi trưa, có những bạn cho đến giờ vẫn còn luyến lưu ở lại Tam Kỳ,…

Chiều trước ngày họp mặt

Chiều ngày 5/6, những dòng chảy cenamachin đã bắt đầu rối rít hội về Tam Kỳ. Sinh – Sa đến từ Nông Sơn, Quý – Truyền, Lục đến từ Thăng Bình, Song Uyên từ Hiệp Đức, Võ Hồng đến từ Phước Sơn, Đào từ Cù Lao Chàm, Khánh đến từ T/p Hồ Chí Minh cùng với Liêm, Phi Hùng kéo về nhà Dũng làm một bữa “Tiên thường” khá “rậm rịt”. Đêm đó, Hùng Tín từ “Xứ hoa đào” cũng kịp về trong đêm.

Buổi sáng đoàn tụ

Y chang theo chương trình đoàn tụ, bè bạn kéo về sớm dùng cafe tại nhà hàng – cafe Đông Á – nơi tổ chức họp mặt. Ban tổ chức tíu tít ngược xuôi lo khâu chuẩn bị. Dũng, Ngọc Lan, Liêm, Quảng, sự hớp hải hiện rõ trên khuôn mặt, lo chuẩn bị thì ít mà ái ngại sự thiếu vắng thì nhiều. đến khoảng 9.00 thì tất cả mới thở phào nhẹ nhõm. Các bạn từ Thăng bình, Hiệp Đức, Đại Lộc, Tiên Phước, Điện Bàn, Duy Xuyên, Núi Thành,… nối nhau kéo về đoàn tụ. Hồ Ngọc Bích về từ Đông Giang, Cẩm, Nhỏ Liên, Tứ, Dục, chị Lanh, chị Khíp, Hương, Xuân Vinh, Đình Vinh, Mộng Ngọc, Lê Liên, Phạm Hùng, Lê Hùng, Kiều Hùng, Sáu,… Đặc biệt nhất là cô bé Bảo Trân từ Đà Lạc cũng kịp đáp chuyến tàu cuối cùng đưa con trai về cho anh em nhận mặt và cuối cùng là thầy Nguyễn Văn Dũng.

Khai mạc Đoàn Tụ có chậm hơn dự kiến vài chục phút trong không khí vô cũng phấn chấn. Điều buồn cười nhất là có vài bạn chú ý sự ấy náy của anh chàng Anh Dũng. Anh chàng kéo Ngọc Lan ra sau cánh gà, thò vào.. tai cô nàng thủ thỉ: “Tình hình thế nào?”. Cô nàng cười toe toét, môi đỏ rực như một bông phượng mãn khai: “Vô tư, thoải mái!!!”. Vậy là, theo sáng kiến của Bửu Khánh và Hùng Tín, Ngày Đoàn Tụ thống nhất đổi từ La-ru sang Sài Gòn đỏ.

Mở đầu là những lời phi lộ đầy “mầu mè” là “thơm phức” của anh chàng láy cá nổi tiếng Phan Ngọc Khôi – Người dẫn chương trình “tài hoa” đã tạo được sự gắn kết đằm thắm cho sự đoàn tụ. Trần Anh Dũng cũng đọc “diễn văn khai mạc” với sự “nghẹn-ngào-cần-thiết” làm rung-đông-chân-tay mọi người. Tiếp đến là đại diện các huyện tham gia ý kiến. Trong lúc mọi người trò chuyện thì anh chàng Phan Văn Liêm mang rượu Bót-đô (chai rượu này anh chàng cất kỹ ba năm, tiếc không dám uống) đi mời từng bàn. Rồi sau đó là bôm bốp nổ bia. Rất lâu rồi chúng tôi chưa uống bia ngon như hôm nay các bạn ạ!

Thầy Nguyễn Văn Dũng có ý kiến cuối cùng với những lời khen ngợi làm cho cả gia đình sướng “run rẩy” cả người.

Xen kẻ những lời tâm sự là các tiếc mục văn nghệ khá ngọt tai. Cao Văn Sinh nói thầm với Trần Anh Dũng: “Tụi khóa mình hát hay vậy tài chi nó dạy dở quá trời!”. Quốc Việt nghe vậy tức quá bảo: “Rứa chẳng lẽ tao hát hay vậy là tao dạy dở à”. Cả ba cười khì khì.

Cũng nhờ sự đoàn tụ mà mọi người thấy được cái gan, cái góc của một vài chúng bạn:

Ai đời có Đoàn Thị Sa ngồi lù lù ra đó (Sa thì không có gì có thể che khuất được) vậy mà Cao Văn Sinh vẫn liều mạng toe tóe với Huỳnh Hương. Còn anh chàng Ngô Văn Minh thì cứ lẫn quẫn cụng li với các bạn nữ tranh thủ tất cả thời giờ vàng ngọc của mình vào hoạt động “tán tỉnh”. Phan Ngọc Khôi thì giận Trương Phước ra mặt vì anh chàng cứ ngồi lì bên cạnh Nguyễn Thị Cẩm, thậm chí có lúc hứng chí Phước quành tay qua tựa ghế làm chàng MC chết điếng mấy lần đánh rơi micro. Bửu Khánh thì ngày thường tươi tỉnh, hồn nhiên hôm nay mặt mày trở nên tái méc, tuyệt nhiên không dám bén mãng gần bàn của Bảo Trân-Công chúa. Song Uyên trước giờ hát hay như bợm (chuyên gia giành giật micro trong những lần karaoke) vậy mà không mở được khẩu, phải nhờ Võ Thị Hồng hát hộ (nhiều nguồn thông tin cho rằng anh chàng có ý đồ cá nhân trong chuyện này). Nguyễn Quý chạy xuôi chạy ngược tìm mọi cách rọi mặt vào máy quay video của Thành Liêm làm anh chàng nghệ sĩ này rất nhiều lần bực mình phải dừng tác nghiệp. Còn Trần Anh Dũng thì bày đặt, mượn cớ tặng hoa lên hôn trộm vai áo Võ Thị Hồng. Còn vô số chuyện khóc cười: Trần Tài thì trước đây nhút nhác đến nỗi trước khi thay áo quần phải đóng hai lớp cửa vậy mà giờ dạn dĩ ra mặt, dám đến cụng li từng người, thậm chí theo chân Ngô Văn Minh léng phéng, lượn lờ quanh bàn con gái. Lê Hùng thì biết “đi” chỉ mỗi một điệu van cũng nhảy tứ chiếng nhà trời,…

Ngày Đoàn Tụ kết thúc trong không khí “sôi như kiến lửa” với sự trao quyền đăng cai từ Tam Kỳ sang Hội An – Điện Bàn. Hồ Thị Đào mặt tươi như hoa … đào khẳng khái nhận quyền tổ chức vào 2012 tại phố cổ. Toàn gia đình cũng đã quyên góp được 1 370 000 đồng gửi tặng bạn Cam đang gặp bạo bệnh.

14.30 cả khối chia tay nhau trong sự yêu thương, bịn rịn. Chúng ta phải tạm chia xa để về với công việc. Một số bạn theo chân Xuân Vinh lên thăm Tiên Phước, một số khác cùng Trần Anh Dũng dạo chơi bè bạn Tam Kỳ, cánh ngoài theo Nguyễn Thị Hưng, đại diện đến thăm Nguyễn Thị Cam, Bửu Khánh về Sài Gòn, Hùng Tín, Bảo Trân quay về Đà Lạt.

Tất cả vẫy chào nhau hẹn gặp lại Hội An 2012.

Thứ Hai, 7 tháng 6, 2010

Một số hình ảnh NGÀY ĐOÀN TỤ C5-A9 lần V - Tam Kỳ 2010































Mời các bạn xem tiếp ở đây: Xem Ảnh
Lưu ý: Các bạn có thể download nhanh album ảnh của Phạm Văn Hùng bằng cách click vào đây: Click here , chọn click here to start download, tải vê máy mình rồi xả nén.



Chủ Nhật, 4 tháng 4, 2010

Liveshow Nguyễn Ý và những người bạn đã tổ chức thành công tại t/p Tam Kỳ

Trong một chuyến về quê dự lễ tế Xuân tại quê nhà Duy Châu – Duy Xuyên. Bạn Nguyễn Ý đã sắp xếp vào Tam Kỳ để gặp gỡ một số bạn bè. Theo nhã ý của Trần Anh Dũng, chúng tôi đã tổ chức một đêm gặp gỡ tràn đầy xúc động – Một liveshow mang tên Nguyễn Ý và những người bạn. Nguyễn Ý đã đến Tam kỳ hồi 13.30 ngày 02/4/2010. Ra bến xe đón Nguyễn Ý có Trần Anh Dũng, Phan Văn Liêm và Phan Thanh Tiến. Tất cả cùng tập trung về nhà Trần Anh Dũng. Bắt đầu từ đó, cellphone cả tỉnh Quảng Nam bắt đầu réo nhau ầm ĩ, một số anh en Tiên Phước, Thăng Bình, Quế Sơn bắt đầu nhằm hướng Tam Kỳ đến gặp bè bạn. 15.00 đã có thêm Trịnh Tấn Quảng và và cả bọn cùng sắn tay áo, lắn vô bếp. Đọc tiếp>>

Thông báo

Thưa các bạn, theo phản ánh của đa số anh em trong gia đình C5A9, địa chỉ blog hiện hành đường dẫn hạn chế nên có một số trường hợp do đường chuyền yếu hoặc máy chủ có sự cố virut các bạn đã không mở được blog của lớp. Vì thế, chúng tôi đang mở thêm một blog có đường dẫn mạnh hơn để thay thế. Chúng tôi đang thử nghiệm đường link này (http://cenamachin.wordpress.com/). Mời các bạn vào theo dõi và cho biết ý kiến.
C5A9

Thứ Bảy, 20 tháng 3, 2010

Thi sĩ Hữu Loan đã ra đi

NHÀ THƠ "MÀU TÍM HOA SIM" ĐÃ ĐI XA

Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng giờ đây mỗi lần nhắc đến Màu tím hoa sim, tâm hồn lão thi sĩ Hữu Loan vẫn còn rướm máu. Nỗi đau mất mát cùng với những thăng trầm, dâu bể cuộc đời của Hữu Loan đã để lại cho nền thơ ca Việt Nam một tác phẩm bất hủ...

Ngần ngại mãi, cuối cùng tôi mới "đánh liều" về làng Vân Hoàn thăm lão thi sĩ Hữu Loan. Ngại chẳng phải bởi đường xa cách trở, mà ngại bởi đã từng nghe về sự khí khái, khó tính đến cực đoan của thi sĩ. Tóm lại là sợ ông... không tiếp. Nhưng thật bất ngờ, khi được bà Nhu, vợ ông báo có phóng viên Thanh Niên đến thăm, lão thi sĩ đã ra tự tay mở cổng mời tôi vào nhà.

Ông nói: "Báo Thanh Niên à? Nghe nhiều rồi. Chắc anh định viết về lão già này chứ gì?". Tôi mừng thầm trong bụng vì sự cởi mở của thi sĩ. Đột nhiên Hữu Loan hỏi tiếp: "Hay là anh đến để xem tôi còn sống hay đã chết rồi?". Cặp mắt tinh anh của ông lóe lên một chút khinh bạc. Tôi thưa với ông rằng mình đến trước hết là vì mến mộ tác giả Màu tím hoa sim, sau nữa là muốn viết một cái gì đấy về ông... Hữu Loan cười: "Nói đùa anh vậy thôi, bạn đọc, anh em cầm bút còn nhớ, còn đến thăm lão già này là hạnh phúc lắm rồi. À, mà cách đây mấy năm Báo Thanh Niên còn gửi biếu tôi 5 triệu để uống rượu kia đấy...". Nói rồi ông với tay vào gầm bàn lôi ra một chai rượu trắng, rót một chén đưa cho tôi, nói: "Rượu Nga Sơn đấy. Uống đi, rồi tôi sẽ kể về đời tôi, về Màu tím hoa sim cho anh nghe". Ông đưa cả chai rượu lên miệng tợp một ngụm nhỏ rồi đưa tay vuốt mái tóc dài chớm vai trắng muốt. Cái dáng cao gầy, đạo cốt mà phong trần của lão thi sĩ ngồi bất động trước hiên nhà gợi rất nhiều cảm xúc... Sau tợp rượu, Hữu Loan nhìn lên bầu trời trong ráng chiều đỏ rực. Hình như quá khứ đang dồn dập kéo về. Cặp mắt ông đỏ hoe ngấn lệ. Tôi không nỡ giơ máy ảnh lên để chụp khoảnh khắc đầy tâm trạng ấy của lão thi sĩ...

...Bài thơ Màu tím hoa sim ra đời trong một hoàn cảnh đau thương, một biến cố lớn trong đời Hữu Loan. Năm 1949, Hữu Loan kết hôn với bà Lê Đỗ Thị Ninh, cưới xong, ông lại tất tả trở về đơn vị mang theo hình ảnh người vợ trẻ - một tiểu thư con nhà khuê các theo gia đình sơ tán nơi ấp nhỏ Thị Long (Nông Cống). Xa nhau chưa được 2 tháng, Hữu Loan nhận được hung tin người vợ trẻ chết đuối khi giặt quần áo ngoài sông. Bàng hoàng, đau đớn, ông vô hồn cầm cây bút trong tay và những vần thơ như máu và nước mắt cứ trào ra: "Nàng có ba người anh đi bộ đội - Những em nàng có em chưa biết nói - Khi tóc nàng xanh xanh…". Cái hình ảnh hoa sim tím ngắt chạy ngút ngàn trên những triền đồi vốn đã báo hiệu sự chia ly nhạt nhòa nước mắt. Thời chiến, cái chết đối với người lính nào có sá gì. Họ chỉ lo mình "không về" thì thương cho "người vợ chờ - bé bỏng chiều quê". Thật nghiệt ngã, giữa cái thời loạn ly chinh chiến ấy, khách chinh phu không ngã nơi sa trường mà "người gái nhỏ hậu phương" đã ra đi... Và người chiến sĩ - thi sĩ Hữu Loan vẫn tiếp tục hành quân để làm tròn nhiệm vụ của người lính thời chiến. Giữa những cuộc hành quân ấy, hình ảnh người vợ hiền bé bỏng lại hiện lên mỗi khi nhà thơ đi qua những đồi sim tím: "Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím - áo nàng màu tím hoa sim - Ngày xưa - một mình - đèn khuya - bóng nhỏ - Nàng vá cho chồng tấm áo - ngày xưa…".

Chiều dần buông, lão thi sĩ Hữu Loan vẫn say sưa nói chuyện văn chương và kể chuyện cuộc đời cho tôi nghe. Xen kẽ giữa những câu chuyện không đầu không cuối, tôi thấy ông nhắc nhiều đến những cái tên Văn Cao, Hoàng Cầm, Chế Lan Viên, Nguyễn Huy Tưởng, Trần Dần... Đặc biệt, ông nói về tướng Nguyễn Sơn - vị "lưỡng quốc tướng quân" văn võ toàn tài - với một niềm trân trọng, tin yêu hết mực. Ông bảo, chính ông là người đã đi hỏi vợ cho tướng Nguyễn Sơn. Cái ngày tướng Nguyễn Sơn mất, ông đã viết "Nguyễn Sơn như một con tàu biển khổng lồ - Đi đến đâu không cho sóng ngủ...". Hữu Loan gật gù: "Ở đời có những người tuy mất rồi nhưng cái tên của họ vẫn tạc vào trời xanh thăm thẳm, mà người đời sau phải cúi đầu bái phục. Nguyễn Sơn là như vậy!".

Sự đột ngột trở về quê, bỏ lại sự nghiệp văn chương dang dở và những buồn vui thế sự nơi Hà thành những năm đầu giải phóng của Hữu Loan đã khiến cho những người yêu mến ông bất ngờ và tiếc nuối. Ở quê nhà, ngày ngày thi sĩ Hữu Loan vẫn nhẫn nại làm anh tiều phu lên rừng đốn củi, chở xuống chợ huyện bán để lấy tiền nuôi một bầy con khôn lớn... (Năm 1953, sau 4 năm người vợ trẻ mất, Hữu Loan đã cưới bà Phạm Thị Nhu ở xã Nga Văn, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa. Hai ông bà có với nhau 10 người con và giờ có tới 40 cháu nội, ngoại).

Khi được hỏi ông có "ân hận" gì sau 50 năm ẩn dật nơi thôn dã hay không, Hữu Loan cười, nụ cười độ lượng của ông già ở tuổi 90 đã trải qua bao giông bão, trầm luân của thế sự. Ông bảo: "Nói làm gì những chuyện buồn não đã qua. Đời tôi nó y như cái anh Màu tím hoa sim ấy. Nhưng ơn trời - giờ đây tôi có cả một đàn con, cháu... Người đời vẫn nhắc đến Màu tím hoa sim, đến Đèo Cả là Hữu Loan này mãn nguyện lắm rồi. Vả lại, số tôi là cái số mục đồng nên làm sao có thể xa bờ tre, con trâu cho được...".

Tác giả: Ngọc Minh (Nguồn: thanhnienonline)
Bài thơ
MÀU TÍM HOA SIM
Tác giả: Hữu Loan
Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng
Có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh
Tôi người Vệ quốc quân
xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn
nàng không đòi may áo mới
Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giày đinh
bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi
Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến binh
Mấy người đi trở lại
Nhỡ khi mình không về
thì thương
người vợ chờ
bé bỏng chiều quê…
Nhưng không chết
người trai khói lửa
Mà chết
người gái nhỏ hậu phương
Tôi về
không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
thành bình hương
tàn lạnh vây quanh
Tóc nàng xanh xanh
ngắn chưa đầy búi
Em ơi giây phút cuối
không được nghe nhau nói
không được trông nhau một lần
Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
áo nàng màu tím hoa sim
Ngày xưa
một mình đèn khuya
bóng nhỏ
Nàng vá cho chồng tấm áo
ngày xưa…
Một chiều rừng mưa
Ba người anh trên chiến trường đông bắc
Được tin em gái mất
trước tin em lấy chồng
Gió sớm thu về rờn rợn nước sông
Đứa em nhỏ lớn lên
Ngỡ ngàng nhìn ảnh chị
Khi gió sớm thu về
cỏ vàng chân mộ chí
Chiều hành quân
Qua những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim
những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
tím chiều hoang biền biệt
Có ai ví như từ chiều ca dao nào xưa xa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu
Ai hỏi vô tình hay ác ý với nhau
Chiều hoang tím có chiều hoang biết
Chiều hoang tím tím thêm màu da diết
Nhìn áo rách vai
Tôi hát trong màu hoa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu…
Màu tím hoa sim, tím tình trang lệ rớm
Tím tình ơi lệ ứa
Ráng vàng ma và sừng rúc điệu quân hành
Vang vọng chập chờn theo bóng những binh đoàn
Biền biệt hành binh vào thăm thẳm chiều hoang màu tím
Tôi ví vọng về đâu
Tôi với vọng về đâu
Áo anh nát chỉ dù lâu…
(1949, khóc vợ Lê Đỗ Thị Ninh)

Chủ Nhật, 14 tháng 3, 2010

Một cảm hứng


CẢM XÚC THÁNG BA

Tháng Ba về, em rủ rê tôi đi tìm cảm xúc, bảo rằng: “Em đã lỡ đặt tên trước mất rồi, Cảm xúc tháng Ba, anh nhé!”. Tôi nhẹ dạ gật đầu, thế là lặng lẽ ra đi. Tôi đi tìm tháng Ba!
Tôi tìm tháng Ba ngay trong nếp áo của em, hương vị xuân còn nồng nàn nhiều lắm. Tà áo giữ mùi dịu dàng của những mai vàng nở muộn, của những hoa cúc trái mùa. Tà áo còn giữ hơi thở của em, ấm nồng như thời con gái, ngọt ngào như thuở đôi mươi.
Tôi cùng em đến những ngày mồng Tám. Ngày của bà, của mẹ, ngày của chị của em. Lại là hoa! Sao hôm nay hoa nở nhiều đến vậy. Dường như trời đất nở hoa là dồn hết cho những ngày này. Hoa huệ trắng tươi rói trên tay bà, đón niềm kính yêu của cháu, réo gọi những tháng năm vất vã mà ngào ngạt yêu thương, túng đói mà tràn đày tình cảm. Em tặng mẹ những cành hoa sen trắng, với tấm lòng tôn kính, trang nghiêm. Tặng chị đóa cúc vàng miên man chiều vãng nắng, bắt chị kể lại em nghe về mối tình đẹp nhất trong lòng. Và em, hãy đón nhận từ anh, tinh yêu vô bờ bến, những đóa hồng nhung cuồng nhiệt, đắm say.
Tôi cùng em đi tìm tháng Ba. Mặc áo chàm nông phu đi theo ánh đuốc rực trời của Ngả Ba Căm Thù, Vĩnh Trinh, Chợ Được. Anh mắc võng giữa đại ngàn, nằm ngắm trời Trà My, Khâm Đức; em đội mũ tai bèo đi hái rau rừng trên những suối nguồn Thạnh Mỹ, Phước Sơn. Rồi ta cùng hội quân vào ngày Hai Mươi Bốn, hát vang khúc khải hoàn: Giải Phóng Quảng Nam.
Tôi đi tìm tháng Ba, lang thang theo sắc bướm ngàn, rù rì theo lũ ong rừng, chấp chới theo cánh hải âu chở nắng. Nghe kể về những người tuổi trẻ, biết dời núi, lấp sông: Anh làm Thanh Niên Xung Phong, mặc áo xanh, lên nguồn, phủ xanh đồi trọc; em làm cô giáo trẻ, cõng chữ lên non. Anh theo đoàn công nhân, đi xây hồ trên núi, làm điện soi với ánh sao trời; em xây nông trường, thắp tiếng cười ở khắp ngàn thôn bản yêu thương. Kể về những tuổi hai mươi, biết ra khơi đi tìm luồng cá, biết hiến dâng những đời trai trẻ, giữ đảo, biển biên cương.
Tôi đi tìm tháng Ba, đi hoài không biết chán. Và thấy mình trẻ lại, sống cho đời nhiều hơn. Đi tìm tháng Ba, ta gần lại nhau thêm, biết cho và biết nhận. Biết mùa xuân sẽ dài vô tận, nếu tôi và em cũng trân trọng Đời này.

TAD

Thứ Năm, 11 tháng 3, 2010

Hướng dẫn tạo tài khoản Gmail

Thưa các bạn, Gmail là một chương trình của Google cung cấp miễn phí cho người sử dụng các dịch vụ như email, lưu trữ thông tin, viết nhật ký, giao lưu trực tuyến (chat), viết blog,... Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu các bước tạo một tài khoản gmail để các bạn tham khảo. Có thể bạn đang chưa sẵn có một email, hoặc có một email chưa ưng ý, thì hãy cùng chúng tôi thực hành qua các giới thiệu bằng hình ảnh sau đâ nhé!











Bạn hãy điền đầy đủ thông tin vào bản lý lịch của mình











Nick đôi khi thể hiện phong cách, quan điểm, lối sống của mình. Bạn có thể lấy tên mình, ghép tên mình với người yêu, vợ, chọn tên con, tên loài hoa mà mình yêu thích,...












Trong bài thực hành này tôi, lấy tên Trần Anh Tú (con trai của tôi).












Chương trình đã gợi ý nhiều nick, nếu thích tối có thể click vào đó. Nhưng tôi chưa ưng ý.













Bạn phải chọn password có ít nhất 8 ký tự, dễ nhớ đối với mình, nhưng người khác không đoán ra. Tránh các dãy số liên tiếp, năm sinh, tên mình,...Bạn nhớ gõ hai lần giống nhau theo yêu cầu của chương trình. Bạn có thể phải lưu password lại vì rất dễ quên.











Việc chọn câu hỏi cũng khá quan trọng. Sau này, có thể bạn quên mất password, khi đó bạn cần nó lắm đó.
















Vậy là chúng ta đã tạo ra được một email trên Gmail rồi đó. Nào, chúng ta sẽ bắt đầu soạn thư và gửi cho ai đó. Tại sao bạn lại không gửi cho tôi nhỉ, cũng có thể lắm chứ! anhdungtr@gmail.com. Hihihi
























Có một địa chỉ email, các bạn sẽ có thể gửi thư cho bạn bè mình một cách nhanh chóng, miễn phí, và còn làm được nhiều việc nữa lắm dó. Từ nay, khi ngồi vào online, bạn sẽ mở ngay email của mình ra, xem thử có ai nhắn nhe, gửi gắm mình điều gì không. Các bạn sẽ thấy mình sống gần mọi người, bèn bạn hơn đó. Chúc các các bạn một ngày làm việc hiệu quả, vui vẻ. Xin chào và hẹn gặp lại!