Thứ Năm, 28 tháng 1, 2010

Thơ Trần Anh Dũng


Thơ của Trần Anh Dũng đây nè, thấy "sến nương" chưa, hihihi?!!!

Chào thành viến mới 357

Xin chào thành viên mới 357!
Chúng tôi rất hân hạnh được bạn nhận lời làm thành viên ban điều hành trang blog của gia đình C5A9. Ngay sau lời chào mừng này, chúng tôi nhất trí sẽ cấp ngay đặc quyền quản trị blog cho 357 để bạn có thể chỉnh chữa, thay đổi bất cứ nội dung gì trong blog. Rất mong 357 nhiệt tình tham gia và đóng góp nhiều để blog cenamachin của chúng ta ngày càng thịnh vượng. Chúc bạn khỏe, hạnh phúc và phát tài trong những ngày chuẩn bị đón xuân Canh Dần.

Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2010

Trao đổi

Thưa các bạn! Chúng tôi đã nhận thêm thông tin và địa chỉ email của các bạn Nguyễn Bảo Trân và Nguyễn Hờn, chúng tôi đã gửi thư mời làm tác giả của cenamachin đến các bạn, mong các bạn hãy đăng nhập và tham gia vào blog của lớp cho vui và hơn nữa, chúng ta có thể trao đổi, học hỏi nhau, biến cenamachin thành một tài sản chung của cả khối.
Vừa rồi, chúng tôi nhận được một đề xuất nhỏ là: Trong xu thế hiện nay, giáo viên đều phải soạn giáo án vi tính, làm giáo án điện tử nhằm phục vụ công tác giảng dạy. Sẽ có một sô anh chị em trong lớp gặp khó khăn trong hoạt động này. Vì thế nên chăng, khối CenamAchin cấn đóng góp giáo án để cả khối chúng ta dùng chung. Nếu mỗi người đóng góp một giáo án (giáo án một tiết dạy), thì chúng ta sẽ dễ dàng có ngay 5 bộ giáo án cho mỗi khối lớp, và bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể mang ra sử dụng.
Hoặc là chúng ta có thể mở một diễn dàn hướng dẫn nhau một số nội dung về kinh nghiệm giảng dạy, kiến thức tin học ,...
Các bạn hãy cho chúng tôi biết ý kiến bằng ách nhấp vào mục nhận xét ở cuối mỗi bài viết rồi ghi ý kiến của mình.
Chúc các bạn vui vẻ, sức khỏe dồi dào, gia đình hạnh phúc và chuẩn bị đón tết Canh Dần thật "hoành tráng"!

Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2010

Thơ Nguyễn Ý

HOÀI CẢM

Hai lăm năm chưa phải là dài
Nhưng là cả một phần tư thế kỷ
Kẻ mất, người còn, kẻ đi người ở
Dấu thời gian đọng lại trên mi

Ta không là người bị ruồng bỏ phải ra đi
Tha phương xứ người cầu thực
Cũng không phải là thứ người bội bạc
Chối từ mãnh đất quê hương

Quê hương là nơi cho ta tuổi trẻ
Cho ta niềm tin để bước vào đời
Ở nơi đó có quá nhiều kỷ niệm
Có buồn vui, cay đắng, ngọt bùi

Có mẹ - có em, có khóc – có cười
Có bè bạn với một thời sướng khổ
Có cấu ca “muối mặn gừng cay…”
Để những đứa con xa quay quắt tìm về

Hai lắm năm biết bao nhiêu biến đổi
Bạn bè còn nhận ra nhau?!
Dòng thời gian xóa mòn nhan sắc
Con gái ngày nào – Thiếu phụ hôm nay

Hai lắm năm giữa dòng đời trôi nổi
Kẻ dạt xứ nào, người bám quê hương
Liệu mươi, mười lăm năm sau nữa
Gặp nhau: Ai mất ai còn?!

Lộc Thiện, 22/01/2010
NY

Thứ Ba, 19 tháng 1, 2010

Bài viết của Ngô Văn Minh

Tình cờ đọc trên mạng thấy bài viết về Quảng Nam của mình đã đăng trên tạp chí Non Nước (Hội Văn học nghệ thuật TP Đà Nẵng) được anh bạn nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm Tổng Biên tập tạp chí đưa lên trang web cá nhân. Mình tải xuống gửi các bạn đọc cho vui.
Thân,

Nguồn gốc tiền nhân nhân đối với quá trình hình thành đặc tính văn hóa Quảng Nam
Ts. Ngô Văn Minh
Chúng ta đều biết rằng, chủ nhân ban đầu trên vùng đất Quảng Nam hiện nay là người Chăm. Đấy là một tộc người thuộc nhóm Mã Lai – Đa Đảo. Trong quá trình tụ cư sinh sống người Chăm đã tiến dần tới việc lập quốc, với sự ra đời của nhà nước ChămPa (Campa) vào giữa thế kỷ IV. Trong thời gian tồn tại với tư cách là một quốc gia, người Chăm đã xây dựng được cho mình một nền văn hoá với những giá trị đặc sắc riêng về thể chế vương quyền và tổ chức xã hội; về tôn giáo, tín ngưỡng, phong túc tập quán; về chữ viết và văn học, nghệ thuật; về thiên văn và lịch pháp. Đó là một nền văn hoá rực rỡ, có tính chất mở: với sự tiếp nhận ảnh hưởng văn hoá của các nước xung quanh, nhưng sâu đậm nhất vẫn là văn hoá Ấn Độ. Những giá trị đó đã góp một phần vào việc hình thành văn hoá Quảng Nam về sau, tuy không nhiều lắm.Tôi quan niệm rằng, mốc thời gian năm 1471 là sự khởi đầu cho dòng thời gian chủ đạo của sự hình thành văn hoá xứ Quảng, bởi nó mở ra thời kỳ di dân, khai thác, sáng tạo những giá trị văn hoá vật thể và những giá trị văn hoá tinh thần của cư dân Việt - tộc người chiếm hơn 90% dân số toàn tỉnh. Trước đó, từ 1306 -1470, vùng đất này hãy còn là đất “ky mi - lỏng lẻo” và là nơi tranh chấp giữa hai quốc gia Đại Việt và Chiêm Thành nên sự tụ cư của người Việt vốn đã ít, lại không liên tục. Từ năm 1471 thì người Chăm ở lại vùng đất cũ rất ít, bởi hầu như với dân tộc này, triều đình càng lùi vào Nam thì dân cũng lần hồi lùi theo, chỉ có một số ít ở lại. Trong sách “Việt sử tiêu án” Ngô Thời Sĩ cho biết, “lúc bấy giờ [thời Hồ Quý Ly] nước Chiêm Thành dâng đất, nhưng đất trống không có dân, nên phải di dân vào ở đó. Hơn nữa, giá trị văn hoá Chăm bản địa lại không thể lấn át giá trị văn hoá Việt, không giống như văn hoá Hy Lạp đối với người Giécman ở thế kỷ V hay văn hoá Hán đối với người Mông Cổ trong các thế kỷ XIII – XIV. Chúng ta lại thấy có những biểu hiện người Việt xứ Quảng áp đặt văn hoá của mình lên văn hoá Chăm như chồng trên một số di tích Chăm là thiết chế văn hoá Việt. Đó là trường hợp miếu Việt chồng lên tượng Bà Vú của người Chăm ở Quế Sơn, hoặc đắp thêm bên ngoài tượng Chăm bộ mặt thần Việt để thờ, hoặc xây chùa Việt bao xung quanh tháp Chăm. Những người Chăm còn ở lại chỉ sau một thời gian đã Việt hoá. Có trường hợp đổi sang họ Việt như họ Phan, họ Đinh mà trong gia phả còn lưu lại đến nay có ghi rõ là “Ngã thị Chiêm chủng”, còn lại là các họ Ung, Ma, Trà, Chế. Cũng có một số lên sống ở miền núi cùng với những tộc người trước đó chỉ là dân tộc thiểu số mà trong bia ký Chăm gọi là người Kiratas. Thật ra thì Ung, Ma, Trà, Chế cũng chỉ là những đại từ nhân xưng (Ung là Ôn/Ông; Ma là Cha; Trà từ chữ Tha có nghĩa là Gã; Chế trại âm từ chữ Chêy có nghĩa là Chàng. Cũng cần lưu ý rằng, với những người Chăm hiện nay ở vùng cực Nam Trung bộ hầu như không có mối liên hệ với những giá trị văn hoá Chăm cổ trên vùng đất Quảng Nam. Như vậy chủ nhân chính gầy dựng nên bản sắc văn hoá xứ Quảng chính là những tiên dân người Việt. Chúng ta cần nghiên cứu về nguồn gốc và hoàn cảnh di cư, cũng như môi trường định cư mới của những lớp tiên dân này.Có mấy thời kỳ di dân lớn diễn ra trong lịch sử:- Cuộc di dân đầu tiên vào đầu thế kỷ XIV dưới thời nhà Trần. Theo kết quả khảo sát gia phả của tiến sĩ Huỳnh Công Bá thì ít nhất khoảng 10 năm sau đám cưới Huyền Trân - Chế Mân đã có người Việt đến khai khẩn, nhưng số lượng không nhiều. - Tiếp theo là cuộc di dân lớn và có tổ chức diễn ra vào năm 1403 dưới thời nhà Hồ. Lớp lưu dân này đàn ông thì được biên chế thành quân ngũ, đi trước. Một năm sau Triều đình lại cho vợ con họ vào theo. Họ ra đi không phải chỉ vì một cuộc mưu sinh của mình mà còn nhận lãnh trách nhiệm khai thác vùng đất mới, mở rộng vùng lãnh thổ và trấn giữ cho quốc gia. Vì trọng trách như vậy nên những người ra đi buộc phải xăm lên tay mình tên châu mà mình đến ở để “một đi không quay trở lại”. Thậm chí có người còn tự nguyện quay về bản quán bốc cả mồ mả thân sinh đem vào vùng đất mới để an tâm lập nghiệp lâu dài.- Cuộc di dân đại quy mô nhất diễn ra cuối thế kỷ XV, thời Lê Thánh Tông. Đây là đợt di dân “tòng chinh lập nghiệp” hay là “Bắc địa tùng vương” - nói theo cách bấy giờ.- Cuộc di dân thứ tư diễn ra dưới thời các chúa Nguyễn, ở vào hai thời điểm: vào năm 1655 trong lần chúa Nguyễn tiến quân ra chiếm 7 huyện phía nam Sông Lam, và vào năm 1684 trong một đợt đánh nhau với quân chúa Trịnh, quân chúa Nguyễn bắt được 3 vạn tù binh đưa vào Quảng Nam phiên chế thành đội ngũ, cứ 50 người lập thành một ấp để khai hoang. Tôi không nghĩ bộ phận lớn trong lớp lưu dân này có tư tưởng “ly khai với Bắc Hà”, là muốn “rạch đôi sơn hà” như có tác giả đã viết, bởi bấy giờ phần lớn trong số họ bị chúa Nguyễn bắt đưa vào Nam. Nếu có một số ít nào đó tự nguyện vượt biên vào Đàng Trong thì chẳng qua chỉ vì bị trọng tội hoặc nghèo khổ quá phải đi tìm một nơi đủ nuôi sống bản thân và gia đình. Tư tưởng ly khai chỉ ở những người cầm quyền, mà cụ thể là các chúa Nguyễn, còn với người dân thì vẫn là tư tưởng thống nhất “Ai chia ai hợp không cần biết, Nam - Bắc xưa nay vẫn một nhà”. Nếu để ý chúng ta sẽ thấy dòng niên hiệu trên văn bia một số ngôi mộ ở Quảng Nam vào thời gian này có ghi hai chữ “Việt Cố” là để nhớ về một nước Đại Việt gốc gác trong trường hợp các chúa Nguyễn đang thực hiện ý đồ “rạch đôi sơn hà”.Những lớp lưu dân trên là những ai? Chắc chắn thành phần xuất thân, lý do di cư đã ảnh hưởng lớn đến tính cách, những hành trang văn hoá mà họ mang theo vào vùng đất mới, để từ đó đặc nền móng cho việc hình thành đặc tính văn hoá Quảng Nam. Cũng từ kết quả điều tra, khảo sát gia phả thời gian gần đây cho thấy qua các cuộc di dân phần đông là dân nghèo phía Bắc hăng hái đi tìm vùng đất mới để sinh cơ lập nghiệp. Số liệu khảo sát gia phả ở nhiều huyện Quảng Nam cho thấy quê hương bản quán của họ là các tỉnh Thanh Hoa (Thanh Hoá), nhiều nhất là Nghệ An (hai vùng đất vốn được xem là “đất Yên - Triệu” của Đại Việt) với cốt tính can đảm, khí khái, cần mẫn, kiệm ước; và Hải Dương là đất học nổi tiếng bấy giờ, cùng một số địa phương ven biển Bắc bộ khác như Thái Bình, Hưng Yên...Cùng với lớp nông dân nghèo là binh lính trấn giữ và làm nhiệm vụ khai khẩn đất quân điền, khi giải ngũ thì ở lại an cư nơi vùng đất mới.Ngoài ra còn có các thành phần khác, tuy không nhiều nhưng họ cũng góp mặt vào hàng ngũ những tiên dân đi mở đất, và trong số họ có những người thuộc thành phần có đóng góp quan trọng trong việc tạo nên đặc tính văn hoá Quảng Nam. Ngay từ thời nhà Hồ, sách Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi rằng: “Hán Thương đem những người không có ruộng mà có của dời đến Thăng Hoa, biên chế thành quân ngũ” và “Hán Thương mộ dân nộp trâu để cấp cho dân mới dời đến Thăng Hoa, người nộp được ban tước” . Các tác giả sách Tìm hiểu con người xứ Quảng nhận xét rất đúng là, trong lớp lưu dân ban đầu này, ngoài những nông dân nghèo còn có những người biết tính toán làm ăn - là lớp thương nhân nên mới “không có ruộng mà có của”, và họ ra đi có tổ chức, do Triều đình chủ trương.Cũng trong lớp lưu dân trên còn có những quan lại đương chức của Triều đình mà lâu nay hầu như chưa được các nhà nghiên cứu nói đến. Đó là quan đại thần như trường hợp Phạm Nhữ Dực con trai thứ năm của Ngự tiền đại tướng quân Phạm Ngũ Lão giữ trọng trách Hậu quân trung đô cùng với Lê Quý Ly đánh bại cuộc Bắc tiến của quân Chiêm Thành, được vua Trần giao nhiệm vụ ở lại trấn giữ Hoá châu, sau đó Lê Quý Ly lên ngôi (đổi thành họ Hồ) giao cho ông cùng các tướng Nguyễn Khát Chân, Nguỵ Trưng, Đỗ Tử Mãn đem quân vượt bờ nam sông Thu Bồn đánh Chiêm Thành. Vùng đất mới chiếm được được nhà Hồ đổi thành 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa (từ bờ nam sông Thu Bồn đến phía nam tỉnh Quảng Ngãi) và Phạm Nhữ Dực được phong làm Chánh đô ân vũ sự ở lại trấn giữ các châu Thăng, Hoa. Hiện mộ ông ở tại làng Đồng Tràm thuộc huyện Quế Sơn hiện nay. Con trai ông là Phạm Nhữ Đệ và cháu nội là Phạm Nhữ Dự đều là những tướng cầm binh trấn giữ vùng đất mới. Cháu gọi cố của ông là Phạm Nhữ Tăng cũng được vua Lê Thánh Tông phong làm Trung quân đô thống. Khi Phạm Nhữ Tăng mất, nhà vua thương tiếc tặng đôi câu đối điếu: “Nghĩa sĩ uẩn mưu cơ, hiệp lực nhất tâm bình Chiênm quốc. Miếu đài khai tráng lệ, hương hồn thiên cổ hiển Nam bang” (Nghĩa là: Nghĩa sĩ đủ cơ mưu, chí cả một lòng bình Chiêm quốc. Mộ phần xây tráng lệ, hồn thiêng muôn thuở rạng trời Nam). Ngoài ra còn có không ít con cháu trong hoàng tộc nhà Lê vào Quảng Nam, đến mức tới cuối thế kỷ XIX mà sách “Đồng Khánh dư địa chí” ở mục dân số vẫn dành riêng một dòng nói về số người thuộc “Lê hậu” để miễn thuế đinh, xem như một đặc ân. Trong số những người đầu tiên có các quan như Lê Tấn Triều, Lê Tấn Trung (có tác giả suy đoán Lê Tấn Trung chính là Lê Quyết Trung mà sách Đại Việt sử ký toàn thư có nói đến) ở lại quy dân lập ấp tại làng Mân Thái (Đà Nẵng) và làng Trường Xuân (Tam Kỳ). Đến thời các chúa Nguyễn cũng có những vị đại thần như trường hợp Thống binh Thái phó Mạc Cảnh Huống thuộc con cháu Mạc Đăng Dung, là vị tham mưu quan trọng vào bậc nhất của Nguyễn Hoàng, là người mà về sau được vua Duy Tân sắc phong với những lời ca ngợi “người có hùng tâm, với khí thế nuốt sao Đẩu, là bậc tráng chí với khí phách tuốt gươm” được chúa Nguyễn giao ở lại làm quân sư cho trấn thủ Nguyễn [Phước] Nguyên. Ông này định cư và yên nghĩ nghìn thu tại xã Trà Kiệu (Duy Xuyên). Con trai ông là Mạc Cảnh Vinh - vị Phó tướng tài ba của Nguyễn [Phước] Nguyên, có công trong việc cầm quân mở đất đến Bình Khang, lập ra dinh Trấn Biên (Khánh Hoà) vào năm 1629. Nếu không có các vị quan như đã dẫn thì làm sao có thể vỗ yên dân chúng miền biên viễn và thực thi kế sách lâu dài của Triều đình?Và trong số lưu dân vào vùng đất mới này còn có những người thuộc hàng vương gia vọng tộc nhưng khi thất bước sa cơ phải vào náu mình nơi biên viễn. Đó là trường hợp Hồ Quý Công (chưa rõ tên) con trai của Hồ Hán Thương, khi cha con Hồ Quý Ly - Hồ Hán Thương bị quân Minh bắt giải sang Trung Quốc ông hãy còn nhỏ, được một trung thần của nhà Hồ đem vào vùng Cổ Luỹ (Quảng Ngãi) gửi cho người tướng tài năng của Hồ Hán Thương là Đỗ Tử Mãn cưu mang. Khi lớn lên ông lại quay ra sinh sống tại Thăng Hoa, là thuỷ tổ của họ Hồ xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên hiện nay. Rồi đến trường hợp đại thần của Triều đình từ quan là ông Nguyễn Văn Lang, cháu gọi Nguyễn Trãi là ông cố. Nguyễn Văn Lang làm quan đến chức Thượng tể tướng quân Tứ thành đề lãnh (Thừa tướng). Khi thấy vua Tương Dực chỉ đam mê tửu sắc, bỏ bê triều chính, ông liền dâng sớ can ngăn, khẳng khái khuyên nhà vua phải “tự răn mình sửa lỗi để tránh mọi tai hại cho dân; lánh xa thanh sắc để chính lòng người; khoan dưỡng sức dân cho thích hợp với lòng dân ngưỡng vọng...”. Can ngăn không được ông bèn cáo quan, xin vua cho mộ dân vào Quảng Nam khai khẩn, lập nên xã Hương Quế (xã Quế Phú, huyện Quế Sơn bây giờ).Trong thành phần di dân đó còn có các quan bị triều đình quở phạt, như sắc dụ của Lê Thánh Tông vào tháng 11 năm Tân Mão 1471 (5 tháng sau khi lập Thừa tuyên Quảng Nam) đối với các quan phủ huyện thuộc thừa tuyên Sơn Nam: nếu ai làm việc không cần mẫn sẽ bị Triều đình bãi chức sung vào quân thứ Quảng Nam. Họ còn là những trọng tội đối với Triều đình, như một sắc chỉ khác cũng của Lê Thánh Tông 4 năm sau đó quy định: tù xử tội lưu đi cận châu thì sung vào vệ quân Thăng Hoa. Như thế, chúng ta thấy rằng trong thành phần những tiên dân xứ Quảng có đông đảo những người nông dân thuần hậu, cần cù, nhiều kinh nghiệm nông tang và nuôi chí ra đi để thay đổi cuộc sống; có số đông những người lính từng vào sinh ra tử nơi trận mạc với ý thức trách nhiệm bảo vệ biên cương; là những người biết tính toán làm ăn, những quan lại Triều đình đầy kinh nghiệm trong việc kinh bang tế thế; là những người xuất thân từ các vùng đất học và từ những quê hương nổi tiếng về khí tiết cứng cỏi; cũng có cả những người kiêu bạt ngang tàng. Đến vùng đất mới tất nhiên họ phải chung lưng đấu cật với nhau để tổ chức cuộc sống cho từng người và cho cả cộng đồng, để luôn hằn một ý thức là không chỉ khai phá mà còn trấn giữ biên cương và tạo cơ sở để Triều đình tiếp tục thực hiện kế hoạch Nam tiến. Họ phải đấu lý với một nền văn hoá xa lạ của cư dân bản địa còn ở lại để khẳng định văn hoá của dân tộc mình. Trong sự tiếp xúc với nền văn hoá xa lạ đó họ có lợi thế vốn là kẻ chiến thắng trong chiến tranh nhưng không có nghĩa là họ gạt bỏ tất cả những giá trị văn hoá của cư dân bản địa mà những giá trị đó vẫn có lợi cho mình. Đến vùng đất mới họ còn có cái lợi thế là không bị lệ thuộc nhiều bởi khuôn mẫu nơi bản quán nên dễ dàng phát sinh những ý tưởng cách tân, sáng tạo thêm những giá trị văn hoá mới. Văn hoá Quảng Nam trong quá trình hình thành là văn hoá mở, giữ gìn những giá trị cũ và tiếp biến những giá trị văn hoá mới. Tác giả Cao Tự Thanh đã nhận xét: “Rõ ràng là với kinh nghiệm phát triển văn hoá qua thực tế đa dân tộc ở vùng Thuận Quảng, người Việt đã tiến tới xây dựng ở Đàng Trong một xã hội mang màu sắc phức hợp Đông Nam Á cùng với một truyền thống văn hoá địa phương mang tính khai phóng được liên tục bổ sung và củng cố qua quá trình lịch sử, trên cơ sở giao lưu kinh tế với hoạt động thương nghiệp khá phát triển đương thời” . Đề cập về đặc trưng văn hoá, và bài này cũng chỉ xin xét mỗi đặc trưng về tính cách thôi, thì đã thấy rằng thành phần xuất thân của tiền nhân lại chịu ảnh hưởng bởi điều kiện khí hậu nắng lắm mà mưa bão cũng nhiều, cũng như đặc điểm địa lý núi cao, sóng cả (Đi bộ thì khiếp Hải Vân, đi thuyền thì sợ sóng thần Hang Dơi” nên đã tạo nên những nét tính cách của con người xứ Quảng, mà về sau Quốc Sử quán Triều Nguyễn đã nhận xét một cách cô đọng: “Học trò chăm học hành, nông phu chăm đồng ruộng; siêng năng sản xuất mà ít đem cho; vui làm việc nghĩa và sốt sắng việc công. Quân tử giữ phận mà hỗ thẹn việc bôn cạnh, tiểu nhân khí khái mà hay kiện tụng. Dân ven núi sinh nhai về nghề hái củi đốn cây mà tính chất phát; dân ven biển sinh nhai về nghề tôm cá, mà tính nóng nảy...”. Có nhà nghiên cứu nói với tôi, “siêng năng sản xuất mà ít đem cho” - viết như thế là Quốc Sử quán Triều Nguyễn cho rằng dân Quảng Nam mình keo kiệt! Tôi lại nghĩ khác. Tại sao lại cứ phải đem cho? Quốc sử quán Triều Nguyễn vẫn viết rằng người Quảng Nam “vui làm việc nghĩa” đấy thôi. Mà đã thế thì không thể xem là keo kiệt được, bởi keo kiệt chỉ là khi người khác rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo mà mình không ra tay giúp đỡ (làm việc nghĩa). Với hai chữ “tiểu nhân” cũng cần hiểu theo văn cảnh bấy giờ. Đấy không phải là hạng người thấp kém về tư cách theo cách hiểu thông thường mà là nói đến thứ dân. Bởi nếu là hạng tiểu nhân thấp kém thì làm gì có chuyện khí khái! Tất nhiên, những đặc tính này có cái đến nay vẫn còn, có cái đã không còn, có cái đã được biến đổi để thích nghi, bởi văn hoá luôn là một dòng chảy theo thời gian, và “văn hoá là cái chúng ta còn nhớ sau khi đã quên đi tất cả; là cái còn lại sau khi đã mất đi tất cả”.
[1] Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb KHXH. H, 1985, tr 205.
[1] Dẫn theo các tác giả sách Tìm hiểu con người Xứ Quảng.

Thứ Hai, 18 tháng 1, 2010

Cảm xúc Nguyễn Hữu Trâm Em

FATHER AND DAUGHTER
SUNDAY, 17. JANUARY 2010, 08:13:34


“Father and Daughter” của đạo diễn người Hà Lan Michael Dudok De Wit. Phim chỉ dài 8 phút nhưng để lại trong mỗi người xem những cảm xúc rất sâu sắc về tình cảm cha con.




Người cha tạm biệt cô con gái thân yêu của mình để lên đường. Ngày qua ngày, dù mưa dù nắng, cô bé vẫn ra bờ sông ngóng cha với một niềm tin mãnh liệt rằng người cha thân yêu sẽ quay trở lại.
Hết ngày rồi lại đến năm, rồi năm này qua năm khác. Ngày chia tay cha, còn là một cô bé lẫm chẫm, rồi cô gái ấy lớn dần lên, già đi nhưng vẫn không quên cái bến sông nơi tạm biệt người cha. Người cha thì vẫn chưa thấy về, nhưng niềm tin mãnh liệt của người con gái thì vẫn còn đó, và nó sẽ còn theo cô đến tận cuối cuộc đời. Hình ảnh cụ bà vẫn chiếc xe đạp đi đến bến sông xưa mong ngóng người cha trở về thật xúc động. Khi phát hiện chiếc xuồng ngày cha đi vẫn nằm giữa sông giờ đã là bãi lau sậy. Hình ảnh người cha lại trở về. Nhạc nền mở đầu bài hát là " Sóng sông Danube" rất quen thuộc và da diết...