Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

Nhân tết Nguyên tiêu, xin giới thiệu một số bài thơ hay

Lá Diêu Bông

Làng Đình Bảng, Bắc Ninh tuy là miền quê nhưng cũng là “nơi đàn bà con gái đa tình, sóng sánh mắt lá răm” trông mòn con mắt. Trong bài thơ Lá Diêu Bông, mở đầu, Hoàng Cầm đã viết “Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng” để phác hoạ hình ảnh điạ phương với bóng dáng trang phục diễm kiều cuả người gái quê Năm Hoàng Cầm lên 8 tuổi, từ tỉnh ở trọ học, trở về thăm nhà gặp người con gái 16 tuổi – tên Vinh – yêu kiều trong chiếc váy bước vào hàng xén của thân mẫu Hoàng Cầm. Cậu bé 8 tuổi quá lãng mạn đã bị “tiếng sét ái tình” ngay tức khắc. Tiếng sét ấy đã đi sâu vào trái tim, gần 70 năm sau Hoàng Cầm tâm sự: “Trước mắt tôi, Chị hiện ra rực rỡ như một thiên thần. Ngay lập tức, hồn tôi như bị chiếm đoạt đến đau điếng. Kể từ giây phút định mệnh ấy, tôi mê man chị chẳng còn biết trời đất, ất giáp, quên cả đến học hành, sách vở, suốt ngày chỉ ngong ngóng sang bên kia đường số 1, xe xế nhà tôi khoảng 20 mét, nơi thiên thần cuả tôi ngồi bán quán nghèo, phố nhỏ điù hiu, tỉnh nhỏ… Tôi phải lòng chị, cứ thế giăng mắc tơ tình quanh chị suốt 4 năm trời, đến năm tôi 12 tuổi thì chị đi lấy chồng”. Người con gái đó biết được mối tình si cuả cậu bé học trò. Thế nhưng “Chị vẫn dứt áo ra đi. Tôi mất tăm chị, đầu non cuối bể tôi đi tìm, không thấỵ Biền biệt tăm cá bóng chim…”. Theo Hoàng Cầm, Lá Diêu Bông “là chiếc lá huyền thoại, chiếc lá ngây thơ về một tình yêu đầy mộng mị thời thơ ấu”. Chiếc lá ấy mang theo hình ảnh có thật với Hoàng Cầm: “Tôi còn nhớ mồn một một buổi chiều muà đông… Chị đi về phía cánh đồng chiều còn trơ cuống rạ, những dãy nuí xanh xanh mờ xa in hình như dao khắc trên nền trời cuối hoàng hôn. Bí mật, tôi lặng lẽ lần theo chị. Tôi thấy chị thẩn thờ tìm đồng chiềụ Cuống rạ. Rồi chị lẩm bẩm một mình, dầu chị biết chắc tôi lẵng nhẵng theo sau lưng : Đứa nào tìm được Lá Diêu Bông, từ nay ta gọi là chồng…”.
Mang hình ảnh đó những 25 năm sau, bài thơ Lá Diêu Bông cuả Hoàng Cầm mới ra đờị
“Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thờ đi tìm
Đồng chiều,
Cuống rạ.
Chị bảo:
Đứa nào tìm được Lá Diêu Bông
Từ nay ta gọi là chồng.
Hai ngày em tìm thấy lá
Chị chau mày: Đâu phải Lá Diêu Bông.
Muà đông sau em tìm thấy lá
Chị lắc đầu,
Trông nắng vãng bên sông.
Ngày cưới chị
Em tìm thấy lá
Chị cười xoe chỉ cắm trôn kim.
Chị ba con
Em tìm thấy lá
Xoè tay phủ mặt chị không nhìn.
Từ thuở ấy
Em cầm chiếc lá
Đi đầu non cuối bể.
Gió quê vi vút gọị
Diêu bông hời … ới Diêu Bông!”.
Bài thơ gọi chị - em vì vậy có nhiều người cứ nhầm tưởng hình ảnh hai chị em gái; thật ra, giữa tác giả với “người tình” nơi cố quận. Lá Diêu Bông ra đời từ năm 1959, bí ẩn đó kéo dài gần 4 thập niên, tác giả mới tâm sự nổi niềm.

Lá Diêu bông - Hoàng Cầm.


NGƯỜI CON GÁI TRONG “ĐÂY THÔN VĨ DẠ”
Bóng hình kiều nữ trong bài thơ tình được coi là thành công của nhà thơ Hàn Mặc Tử là hình ảnh của cô thôn nữ Hoàng Cúc. Nàng tên thật là Hoàng Thị Kim Cúc, sinh ngày 5/12/1913, kém Hàn Mặc Tử 1 tuổi.
Cũng như Hàn Mặc Tử, Kim Cúc phải theo gia đình vào Quy Nhơn sinh sống vì cha nàng là công chức làm việc tại đây. Năm 1933, Hàn Mặc Tử vào làm cho Sở Đạc điền Quy Nhơn và quen Hoàng Tùng Ngâm - em thúc bá của Hoàng Cúc. Hoàng Tùng Ngâm sống trong ngôi nhà nhỏ cạnh nhà Hoàng Cúc, anh em bè bạn thường tụ tập chơi đùa, bình phẩm văn thơ. Hoàng Cúc khi đó đang tập tành viết báo với bút hiệu Hoàng Hoa nữ sĩ, nên cũng thường qua lại với Hàn Mặc Tử.
Với bản tính đa tình, Hàn Mặc Tử đem lòng si mê Hoàng Cúc. Những bài thơ Mặc Tử viết tặng Hoàng Cúc đã đến tay nàng qua Hoàng Tùng Ngâm. Hoàng Cúc biết rất rõ tình cảm của Mặc Tử.
Hàn Mặc Tử vào Sài Gòn làm báo. Sau một thời gian, chàng về lại Quy Nhơn. Lúc này gia đình chàng đã dời đến cách nhà Hoàng Cúc chỉ vài căn. Tình xưa dậy sóng trở lại. Giờ đây, thi sĩ họ Hàn ít nhiều đã bạo dạn hơn trước. Bài thơ Hồn cúc đã chứng minh tình cảm của chàng: "Bấy lâu sát ngõ, chẳng ngăn tường/ Không dám sờ tay sợ lấm hương/ Xiêm áo đêm nay tề chỉnh quá/ Muốn ôm hồn cúc ở trong sương".
Năm 1936, Hoàng Cúc theo gia đình về Huế sinh sống. Sau đó, nàng bắt đầu ăn chay trường, trở thành cư sĩ, sống cuộc đời lặng lẽ bí ẩn. Cũng trong năm đó, Hàn Mặc Tử in tập Gái quê, là tập thơ mới đầu tiên kể từ khi chàng bỏ làm thơ Đường luật. Mặc Tử mang theo một số tập ra Huế, và gặp lại Hoàng Cúc trong dịp hội chợ nhưng không dám tặng. Mặc Tử cũng tìm đến Vỹ Dạ - nơi ở của Hoàng Cúc - nhưng chỉ đứng ngoài cổng một lúc rồi bỏ đi.
Nhiều năm sau đó, hai người không còn liên lạc gì với nhau. Một hôm, Hoàng Cúc nghe tin Mặc Tử bị bệnh phong, liền gửi thư thăm hỏi. Quá cảm động, Mặc Tử đã sáng tác bài Đây thôn Vỹ Dạ gửi tặng nàng.
Chuyện tình Hoàng Cúc - Hàn Mặc Tử cũng có những điều gây tranh cãi như trường hợp Mộng Cầm. Hoàng Cúc đã có lần công khai phủ nhận chuyện nàng có tình cảm với Hàn Mặc Tử. Năm 1969, nhà thơ Quách Tấn, người bạn thân thiết của Hàn Mặc Tử, viết một hồi ký lấy tên Đôi nét về Hàn Mặc Tử đăng trên tạp chí Văn, trong đó có phần nói đến mối quan hệ giữa Hoàng Cúc và nhà thơ tài hoa bạc mệnh. Quách Tấn cho rằng hai người không thành duyên nợ là do thân sinh của Hoàng Cúc chê Hàn Mặc Tử không xứng. Hoàng Cúc đọc được hồi ký này, và ngày 15/3/1971, nàng gửi thư cho Quách Tấn để "nói lại cho rõ". Hoàng Cúc phản bác một số chi tiết nhỏ mà Quách Tấn nêu ra: "Hồi ấy tuy Tử ở gần nhà tôi, song Tử và tôi cách xa nhau như hai ngọn núi. Tử thì kín đáo và bẽn lẽn như con gái, còn tôi thì bí mật và xa lạ như cung trăng! Tuy thế Tử cũng đã tìm cách để gặp, nhưng vẫn chưa toại nguyện...".
Thế nhưng Quách Tấn kiên quyết bảo vệ lập trường của mình trong các chi tiết thể hiện việc Hàn Mặc Tử và Hoàng Cúc có yêu nhau: "Những chi tiết trong cuộc tình duyên của Tử - Cúc, thì nhất định ký ức tôi không phản tôi, vì không có gì phức tạp khó nhớ. Việc Tử nhờ người đến dạm là có thật. Người ấy là nhà thầu khoán Bùi Xuân Lang ở Quy Nhơn, vừa thân với Tử, vừa quen với cụ Hoàng Phùng".
Hoàng Cúc ngày ấy là một thiếu nữ trẻ trung yêu đời, lại ít nhiều có tâm hồn văn chương, việc đáp lại những tình cảm của một người như Hàn Mặc Tử là có thể xảy ra. Nhưng sau này cũng như Mộng Cầm, nàng đã cố gắng chôn chặt những điều thầm kín riêng tư vào cõi lòng. Là một người xa lánh cuộc đời để tìm đến cõi thiền, những chuyện tình cảm dù có cũng không thể phơi bày ra công chúng. Vì thế việc Hoàng Cúc phủ nhận chuyện tình cảm với Hàn Mặc Tử có thể hiểu được.

Đây thôn Vĩ Dạ - Hàm Mặc Tử


VỀ NGƯỜI CHỊ TRONG “LỠ BƯỚC SANG NGANG”
Các thi sĩ thường có một người em trong thơ. Có thể đó là một em tưởng tượng, cũng có thể là những “em thiệt”, là một nhân vật thật sự nào đó, một người thật ở ngoài đời.
Trường hợp Hàn Mặc Tử tương đối rõ. Ví dụ ông viết “Đêm qua trong mộng gặp Thương Thương” thì quả thật có một cô tên như thế, em thi sĩ Hoàng Diệp và cũng chính Hoàng Diệp giới thiệu cô em bà con của mình cho Hàn Mặc Tử. Nhân vật “em” Hàn Mặc Tử nói nhiều nhất là Mộng Cầm, người ông nhắc đến nhiều lần trong bài thơ “Phan Thiết! Phan Thiết”. Chẳng hạn ông viết “Ta đến nơi nàng ấy vắng lâu rồi, nghĩa là chết từ muôn trăng thế kỷ”. Cái “vắng lâu rồi” chỉ là tưởng tượng! Mộng Cầm đã cùng với ông đi chơi lầu ông Hoàng (Lầu ông Hoàng người thiên hạ đồn vang, Là nơi ấy đã yêu thương tha thiết! Ông trời ơi là Phan Thiết, Phat Thiết!” Chỉ khác một điều, Hàn Mặc Tử đã “thi hóa” cô em ấy khi đưa vào thơ. (1)
Nhạc sĩ, như Trịnh Công Sơn cũng vậy: “Quỳnh Hương” hay “Nguyệt Ca” thì Quỳnh Hương và Nguyệt với nhạc sĩ là “Người thật, việc thật” (ấy là nói theo kiểu Việt Cộng) đã được “nhạc hóa” vậy!
Dĩ nhiên, Nguyễn Bính cũng có một “em” nào đó. Có thể là một “Em Hàng Xóm” như trong câu thơ “Từ độ mồng tơi thôi trổ lá, thì cô hàng xóm cũng thổi sang”, hay “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi cách nhau có dậu mồng tơi xanh rờn”. Tuy nhiên, trong thơ Nguyễn Binh, người đọc thường thấy xuất hiện một người chị, một người chị ông rất thương mến, hay tâm sự. Điều ấy đem lại cho người đọc nhiều mối xúc cảm khi đọc thơ ông, như tôi chẳng hạn!
Xin hãy nghe bài thơ sau đây để biết ít nhiều về người chị của Nguyễn Bính:

Lỡ bước sang ngang - Nguyễn Bính


NGƯỜI CON GÁI TRONG “QUÊ HƯƠNG” CỦA GIANG NAM

Bài thơ Quê hương nổi tiếng của Giang Nam từng được đưa vào sách giáo khoa và bao thế hệ học trò đã thuộc lòng từng câu, từng chữ...
Ở đó, người đọc bị cuốn hút, ám ảnh bởi những tiếng cười khúc khích thật hồn nhiên để rồi bỗng thấy hụt hẫng khi nghe tin dữ...
Ở phần mở đầu bài thơ: Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường/Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ/“Ai bảo chăn trâu là khổ?”/Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao..., có lẽ lúc hoài niệm về thời thơ ấu, trong ký ức của tác giả đã hiện lên thấp thoáng những câu hát của... Phạm Duy: Ai bảo chăn trâu là khổ?Chăn trâu sướng lắm chứ!Ngồi mình trâu phất ngọn cờ lau và miệng hát nghêu ngao... (Em bé quê). Bởi nếu không thì tác giả đã không để câu Ai bảo chăn trâu là khổ trong ngoặc kép. Tuy nhiên, dẫu có như vậy thì câu này cũng liền mạch với một tứ thơ hết sức trong trẻo, hồn nhiên: ... Những ngày trốn học/Đuổi bướm cầu ao/Mẹ bắt được/Chưa đánh roi nào đã khóc!/Có cô bé nhà bên/Nhìn tôi cười khúc khích... Một điều chắc chắn rằng, sở dĩ bài thơ có sức hấp dẫn người đọc là bởi tuy tác giả sử dụng những câu chữ mộc mạc nhưng lại khéo dụng công ở những lần “cô bé nhà bên cười khúc khích”, tạo nên một ấn tượng khó quên...
“Cô bé” ấy là ai?
“Cô bé” ấy tên thật là Phạm Thị Triều, sinh ra trong một gia đình có nghề làm mắm gia truyền ở Vĩnh Trường (Nha Trang). Nghề làm mắm cũng là để đóng góp kinh tài cho cách mạng. Cô bé Triều mới “trổ mã” đã theo chị gái lên căn cứ Đồng Bò. Gia đình thấy Triều còn nhỏ quá, cho người nhắn về nhưng cô nhất quyết không về. Khi mặt trận Nha Trang vỡ, Triều được điều về làm ở khối Dân chính của Tỉnh ủy Phú Khánh, đóng ở Đá Bàn. Chính nơi đây, cô đã gặp chàng trai sau này trở thành nhà thơ Giang Nam...
Còn anh chàng Nguyễn Sung (tên thật của Giang Nam), mới 16 tuổi đã bỏ học giữa chừng vì nhà trường đóng cửa do thời cuộc (Nhật đảo chính Pháp tháng 8.1945). Cậu theo anh trai là nhà cách mạng Nguyễn Lưu tham gia Việt Minh ở mặt trận Phú Khánh. Khoảng đầu năm 1954, Nguyễn Sung được điều về căn cứ Đá Bàn và anh bộ đội trẻ đã “ngẩn ngơ” trong lần đầu gặp Phạm Thị Triều.
Ít lâu sau anh biết thêm rằng không phải chỉ mình anh mà cả đám lính trẻ cũng thường tìm cớ này, cớ nọ để tạt vào cơ quan chỉ để... nhìn cô Triều một cái. “Bạo phổi” lắm thì cũng chỉ nói vu vơ một câu rồi... biến! Chuyện yêu đương, trai gái trong cùng tổ chức hồi ấy hầu như bị cấm nghiêm ngặt. Tuy nhiên, là một anh lính có “chút thơ văn” nên Nguyễn Sung vẫn nghĩ được cách tiếp cận người đẹp. Trước tiên, anh vận dụng khả năng thơ văn của mình để được giao nhiệm vụ chạy công văn. Và thế là mỗi lần đưa công văn đến cơ quan, anh lại kèm theo một lá thư (viết sẵn) cho nàng mà không nói năng, hỏi han gì thêm vì sợ lộ. Phải hơn một tuần sau lá thư thứ hai, anh mới “sướng rêm người” khi được nàng “ừ” (trong bức thư hồi âm)...
Yêu nhau “kín đáo” như thế mà vẫn không giấu được ai, may mà cả anh lẫn chị đều được anh em thương mến nên trước ngày anh ra Bình Định tham gia Đoàn Sĩ quan liên bộ đình chiến, chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định Genève, cơ quan đã tổ chức đám cưới cho họ. Sống với nhau được hai đêm thì anh lên đường, còn chị trở lại Nha Trang... Từ buổi đó, đôi vợ chồng trẻ phải luôn chịu cảnh xa cách, gian truân...
Sau Hiệp định Genève (tháng 7.1954), Nguyễn Sung vào hoạt động trong lòng địch, trong vai trò công nhân ở một xưởng cưa và âm thầm viết cho tờ Gió mới - là tờ báo hợp pháp ở Nha Trang. Tuy hoạt động cùng địa bàn nhưng đôi vợ chồng son vẫn không thể gặp nhau vì khác tuyến, phải tuân giữ kỷ luật khắt khe để không bị lộ... Mãi đến năm 1958, tổ chức chuyển vùng công tác cho họ vào Biên Hòa thì họ mới thật sự có những ngày hạnh phúc bên nhau, dù khoảng thời gian này cũng rất ngắn ngủi. Họ thuê một căn nhà nhỏ trong xóm lao động nghèo. Ông làm mướn cho một nhà thầu khoán, còn bà buôn bán lặt vặt...
Một thời gian sau, tổ chức lại rút ông về lại Khánh Hòa, bà Triều ở lại một mình nuôi con. Mỗi đêm, nghe con gái khóc ngằn ngặt vì nhớ cha, bà Triều phải lấy chiếc áo cũ của chồng đắp lên người con để “có hơi của ông ấy cho nó nín khóc”. Sau này, ông đã mượn lời vợ, và mượn luôn sự cố khóc đêm của con để bày tỏ nỗi nhớ thương: Con nhớ anh thường đêm biếng ngủ/Nó khóc làm em cũng khóc theo/Anh gởi về em manh áo cũ/Đắp cho con đỡ nhớ anh nhiều... (Lá thư thành phố).

Quê Hương - Giang Nam


NHỚ CON SÔNG QUÊ HƯƠNG CỦA TẾ HANH
Tế Hanh là một nhà thơ của miền Nam, tập kết ra miền Bắc theo hiệp định Giơ- ne- vơ năm 1954. Sống và làm việc ở miền Bắc hoà bình, nhưng ông luôn hướng tình cảm về miền Nam, nơi ông sinh ra và lớn lên.Ông đã gửi toàn bộ tâm tư của mình đối với quê hương vào bài thơ nổi tiếng mà có lẽ hầu như người Việt nam yêu văn thơ nào cũng biết, bài Nhớ con sông quê hương. Ông chọn hình ảnh quê hương là con sông , nơi ông đã có nhiều kỷ niệm thời niên thiếu , để tâm sự, để gửi gắm.
Nhớ con sông ngày xưa tức là tác giả nhớ đến những người bạn cũ, người yêu cũ còn ở lại miền Nam. Bạn bè ông, những người cùng có nhiều kỷ niệm với dòng sông, đã “mỗi người một ngả” và có lẽ ai cũng như ông: đều nhớ về dòng sông kỷ niệm. Có lẽ ông và các bạn ông đều mong đợi ngày trở về quê hương để làm sống lại những kỷ niệm xưa không thể nào quên được.
Bài thơ thể hiện tình cảm rất chân tình. Tác giả chia bài thơ thành 2 đoạn. Ðoạn đầu giới thiệu hình ảnh con sông cùng những kỷ niệm với bạn bè, với người yêu khi tác giả chưa tập kết ra miền Bắc. Ðoạn cuối mô tả sự khát khao được trở lại quê hương, mong được đóng góp sức mình cho quê hương.

Hiệp định Giơ ne vơ : Hiệp định về lập lại hoà bình ở Việt nam, họp tại Giơ ne vơ (Genf) Thuỵ sĩ năm 1954. Một trong những điều khoản của hiệp định đó là : Những người đã từng tham gia kháng chiến ở miền Nam phải tập kết ra miền Bắc một thời gian ngắn. Nhưng nội chiến đã làm cho ngày trở về của những người tập kết kéo dài thêm rất lâu. Rất nhiều người trong số họ đã lập gia đình tại miền Bắc, có kế hoạch sống và làm việc lâu dài tại miền Bắc. 21 năm sau, năm 1975, họ mới được trở về. Những giọt nước mắt nóng hổi của những bà mẹ, những người vợ , những người bạn còn sống sót là những hình ảnh không thể nào quên, ghi tạc nỗi đau của chia cắt .
Ðã hơn ¼ thế kỷ trôi qua, có thể những hình ảnh đó gây xúc động ít hơn cho giới trẻ ngày nay so với thế hệ cha anh họ. Nhưng, đó cũng là một cái mốc không được phép quên trong lịch sử nước nhà.

Nhớ con sông quê hương - Tế Hanh


Nguồn:
            - Lời bình: Thanhnienonline
            - Videoclip: Youtube.vn