Thứ Năm, 21 tháng 3, 2013


CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM ĐỐI VỚI HOÀNG SA, TRƯỜNG SA QUA CÁC NGUỒN THƯ TỊCH (4)


>> Chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa qua các nguồn thư tịch (3) 


* Bài cuối: Các học giả trên thế giới nói gì về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa?
(Cadn.com.vn) - Cái gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với hai quần đảo mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam), cũng như với gần 80% diện tích của Biển Nam Trung Hoa (tức biển Đông), không chỉ bị các học giả Việt Nam phản bác mà còn bị các học giả trên thế giới phủ nhận, chỉ trích gay gắt.
Trong cuốn sách Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, do NXB L’Harmattan ấn hành tại Pari tháng 3-1996, bà Monique Chemillier – Gendreau giáo sư khoa Công pháp và Khoa học Chính trị của Trường Đại học Paris VII-Denis Diderot, một gương mặt sáng giá của Hội Luật gia quốc tế, đã đưa ra những luận cứ nghiêm túc, khách quan về vấn đề chủ quyền trên hai quần đảo này. Nhận định đây là một cuộc tranh chấp vừa có tính lịch sử vừa có tính pháp lý nên sử gia Munique yêu cầu phải xem xét kỹ các nguồn sử liệu để trên cơ sở đó các luật sư đưa ra các kết luận của mình.
Đối với những lập luận của Trung Quốc, bà cho rằng những tài liệu mà các học giả Trung Quốc trưng dẫn như Nam châu dị vật chí, Phù Nam truyện, Dị vật chí, Lĩnh ngoại đại đáp, Chư phiên chí, Đảo di chí lược, Đông Tây dương khảo, Vũ bị Chí v.v..., đều “chỉ được xếp vào số các tài liệu chứng minh sự hiểu biết chung các địa điểm chứ không có ích gì cho lập luận pháp lý”. Việc Trung Quốc vin vào cái cớ trong thư tịch cổ của mình có nói đến việc trông thấy các đảo ở Nam Hải để rồi cứ chủ trương “hễ cái gì tôi thấy là của tôi” thì đó chính là một sự xâm lược, nhưng “bằng cách quanh co đó và không đếm xỉa đến các dân tộc, người ta có thể tiết kiệm không dùng từ xâm chiếm mà nói đơn giản là phát hiện”. Nữ giáo sư này chỉ ra rằng, các tham vọng của Trung Quốc còn mâu thuẫn bởi chính các nguồn tư liệu khác của họ, bởi có quá nhiều tài liệu địa lý cổ mô tả và phân định rõ lãnh thổ của đế chế Trung Hoa có điểm tận cùng ở phía nam là đảo Hải Nam. Và rằng, chính cuốn Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết về chi tiết các thủy thủ Việt Nam đắm thuyền gần quần đảo Hoàng Sa, bị trôi dạt tới bờ biển Trung Quốc, được các nhà chức trách Trung Quốc điều tra và đưa về quê hương mà không có sự phản kháng nào, cả việc viên Tổng đốc Lưỡng Quảng từ chối trách nhiệm giải quyết hai vụ ngư dân đảo Hải Nam cướp lấy hàng hóa trên hai con tàu đắm của Đức và của Nhật tại quần đảo Hoàng Sa với lời giải thích Hoàng Sa là các đảo đã bỏ rơi, không thuộc về Trung Quốc, đủ cho thấy lập luận về chủ quyền đối với quần đảo này của của Trung Quốc thời gian qua là không có cơ sở.
Bìa sách “Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” 
của nữ giáo sư Monique Chemillier - Gendreau
Ngược lại, bà Monique Chemillier – Gendreau đánh giá cao các nguồn tài liệu của Việt Nam, vì có rất nhiều và ăn khớp với nhau, lại được bổ sung bằng các ghi chép của nước ngoài đáng tin cậy. Sau khi dẫn lại các nguồn thư tịch như Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, các châu bản và các sách Đại Nam thực lục chính biên, Đại Nam nhất thống chí, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ của Triều Nguyễn, bà đi đến khẳng quyết: Với quần đảo Hoàng Sa “các quyền của Việt Nam lâu đời hơn và vững chắc hơn mặc dù các đòi hỏi của Trung Quốc đã được cụ thể hóa nhờ việc chiếm đóng bằng vũ lực cách đây 39 năm đối với một bộ phận quần đảo và cách đây 29 năm đối với bộ phận kia. Việc xem xét một cách chi tiết các danh nghĩa lịch sử như tôi đã cố gắng thể hiện trên các trang trước dựa trên các tư liệu chắc chắn nhất, chững tỏ danh nghĩa của Việt Nam đã được khẳng định rõ ràng ngay từ đầu thế kỷ XVIII. Các luận cứ mà TQ viện dẫn cho đến nay không cho phép xác nhận sự tồn tại các mối quan hệ pháp lý xưa của thiên triều Trung Quốc với các lãnh thổ đó ” . Với quần đảo Trường Sa tác giả cũng cho rằng khó mà đưa ra những bằng chứng để bác bỏ một sự đồng nhất hóa hai quần đảo (Hoàng Sa và Trường Sa) trong sự quản lý của các vua An Nam. Và như vậy, “Ứng cử viên nghiêm chỉnh nhất giành danh nghĩa trên các đảo này về cả căn cứ lịch sử cổ xưa của họ lẫn cơ chế pháp lý về thừa kế các quyền đã được thực dân khẳng định, đúng là Việt Nam. Nam Việt Nam đến năm 1975 rồi nước Việt Nam tái thống nhất sau đó đã xác định sự có mặt rộng rãi nhất có thể có bằng cách chiếm đóng một số đảo nhỏ”. Còn với việc Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa và một số đảo của quần đảo Trường Sa, nữ giáo sư này cho rằng, đấy là một sự vi phạm thô bạo luật quốc tế hiện đại (Hiến chương Liên Hiệp Quốc: Điều 2, khoản 4) nên “sẽ không bao giờ và bằng bất kỳ cách nào có thể chuyển thành một danh nghĩa có giá trị và được công nhận”.
Với giáo sư Carlyle A. Thayer (Học viện Quốc phòng Úc) thì chỉ nguồn tài liệu bản đồ thôi cũng đủ để ông nhận định: “Những tấm bản đồ, chẳng hạn như sưu tập bản đồ của Trần Thắng, đã cung cấp những hiểu biết mới về lịch sử hình thành những tuyên bố về chủ quyền hiện nay. Những bản đồ này đã chứng tỏ mâu thuẫn của Trung Quốc trong việc tuyên bố “chủ quyền không thể tranh cãi” của họ.
Cùng lên tiếng phản đối những yêu sách phi lý của Trung Quốc, khi Cty dầu mỏ ngoài khơi nước này ký một hợp đồng đặc nhượng cho Cty Năng lượng Cresitoner của Mỹ (8-5-1992) vào thăm dò dầu khí tại khu vực Tư Chính và lập luận rằng khu vực này thuộc vùng nước kế cận quần đảo Nam Sa, lãnh thổ của Trung Quốc, luật sư Brice M. Claget đã đưa ra tài liệu nghiên cứu phân tích về mặt pháp lý liên quan đến khu vực này đăng trên tạp chí “Dầu mỏ và khí đốt của Anh”, số 10 và 11/1995. Trong đó, ông đã chứng minh rằng “yêu sách của Trung Quốc là bất hợp lý”, đối lập với những nguyên tắc của luật pháp quốc tế điều chỉnh quyền đối với thềm lục địa và ranh giới biển, và sẽ bị bất kỳ một tòa án nào bác bỏ khi áp dụng Công ước của Liên Hợp Quốc về luật Biển hay luật tập quán quốc tế. Vị luật sư này còn nhấn mạnh rằng, “yêu sách về vùng nước lịch sử của Trung Quốc, nếu quả có vùng nước lịch sử ấy cũng sẽ bị đánh bật không chỉ do Trung Quốc không khẳng định được yêu sách này, mà còn do luật pháp quốc tế nữa”.
Trong lúc Trung Quốc còn úp mở về tấm bản đồ chín đoạn (còn gọi là đường chữ U hay đường lưỡi bò), nữ giáo sư Monique Chemillier – Gendreau đã gọi đó là tham vọng biến Nam Hải theo cách gọi của những nhà địa lý học thành “vũng hồ quốc gia” của Trung Quốc. Tham vọng đó không những trái ngược với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 mà còn cả với quy định của Trung Quốc về chiều rộng lãnh hải. Tháng 5-2009, khi Trung Quốc công khai dương mưu này bằng việc chính thức yêu cầu Liên Hiệp Quốc lưu truyền trong cộng đồng các nước thành viên tấm bản đồ chín đoạn nhằm yêu sách không chỉ các đảo, đá mà toàn bộ vùng biển trong đó, có học giả đã mỉa mai gọi đấy là “tuyên bố chủ quyền mặt trăng”. Hai học giả danh tiếng về luật quốc tế của Châu Âu là Erik Franckx & Marco Benatar trong một nghiên cứu Chấm và vạch trong Biển Đông: nhìn nhận từ Luật chứng cứ bản đồ đã đưa ra một phân tích về mặt pháp lý quốc tế đối với bản đồ này. Theo hai tác giả, các yếu tố sau đây chứng tỏ sự thiếu sót về chứng cứ vốn có của đường chín đoạn của Trung Quốc. Một là, các bản đồ đường chín đoạn của Trung Quốc đưa ra không tương thích nhau. Bản đồ trước năm 1953 bình thường gồm có 11 vạch nhưng sau đó chỉ còn 9 đoạn. Thậm chí, một bản đồ điện tử trực tuyến gần đây của Cục Khảo sát và Bản đồ Nhà nước Trung Quốc ngày 21- 10- 2010 lại thêm một đoạn nữa mà không có lý do nào được đưa ra cho việc loại bỏ hai vạch trong quá khứ hay việc thêm vào vạch thứ mười mới gần đây. Hai là, ký hiệu bản đồ rời rạc, nhập nhằng, không thể hiện được mục đích về tính rõ ràng, bởi cách mô tả của đường 9 đoạn sai lệch với các tiêu chuẩn vẽ bản đồ quốc tế được Tổ chức Thủy văn Quốc tế đề ra. Ba là, thiếu tính trung lập vì chỉ do Trung Quốc tự vẽ ra đường 9 đoạn, chứ không có một tấm bản đồ nào của nước khác vẽ như vậy. Bốn là, thiếu sự chính xác nghiêm ngặt về tiêu chuẩn kỹ thuật, vì cho đến nay nó chưa bao giờ được phân ranh giới chính xác, do đó thiếu các tọa độ địa lý chính xác. Năm là, nó bị các nước trong khu vực phản đối. Hai tác giả nói thẳng, yêu sách đường 9 đoạn lạ lùng của Trung Quốc là quá đáng, thể hiện những tham vọng “cực kỳ bất thường” của Trung Quốc đối với vùng biển Đông.
Từ những phân tích trên, hai tác giả đi đến kết luận: Việc Trung Quốc  duy trì một tuyên bố đơn phương trong một khoảng thời gian kéo dài mà không xem xét tới quyền lợi của các bên quan tâm khác là đồng nghĩa với việc áp đặt một việc đã rồi. Điều này sẽ vuột mất đi khi đối mặt với luật quốc tế, vì luật pháp quốc tế ngăn không cho các nước mạnh yêu sách “giành phần trọn” gây thiệt hại cho các nước láng giềng yếu hơn.
PGS, TS Ngô Văn Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét